Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp… giúp kinh tế của thành phố giữ vững đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong chín tháng vừa qua đạt 775.874 tỷ đồng, tăng 8% (cùng kỳ năm 2016 tăng 7,76%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 675.571 tỷ đồng, tăng 10,82% so cùng kỳ: trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa chiếm 64,5%, tăng 11,7%; chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 7,84% so cùng kỳ...
Giữ được mức tăng trưởng kinh tế nêu trên, ngoài sự chỉ đạo và các quyết sách đúng, phù hợp của chính quyền thành phố đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự bứt phá của từng DN, còn có sự đóng góp không nhỏ của các chương trình kết nối giao thương.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, tính đến nay, thành phố đã ký hợp tác công thương với 22 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Hai bên đã chủ động xây dựng kế hoạch trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức các đoàn nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước, quy hoạch ngành, hợp tác đầu tư, liên kết trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ (sản xuất tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, trao đổi hàng hóa, xúc tiến thương mại...) và thu được hiệu quả tích cực.
Bên cạnh các hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản như chanh, dưa hấu, vải thiều, thanh long, thịt heo… giúp nhiều địa phương, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố vào quý IV năm nay; tập trung giới thiệu, kết nối tiêu thụ tại thị trường thành phố các đặc sản vùng miền, sản phẩm an toàn, nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP…
TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu dân, trong khi 80% lương thực, thực phẩm thiết yếu phải nhập từ các địa phương khác. Để giải quyết nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường, chương trình kết nối giao thương trong sản xuất, phân phối đã phát huy tác dụng, cung cấp đủ nguồn hàng, hàng hóa chất lượng và giá cả phù hợp. Thí dụ, thị trường thành phố hiện tiêu thụ bình quân từ 1,9 đến hai triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày do 355 trang trại nuôi gà thịt, 28 trang trại chăn nuôi gà giống, 65 trang trại gà lấy trứng, 13 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm và bảy cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm cung cấp.
Giám đốc kinh doanh Công ty Vĩnh Thành Đạt (quận 12) Nguyễn Đình Thái cho biết, công ty hiện hợp tác đầu tư ba trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương và Tiền Giang, cung cấp cho thị trường 500 nghìn đến 700 nghìn quả trứng gia cầm/ngày. Nếu không có sự hợp tác của các trang trại, một mình DN khó thực hiện được quy mô sản xuất tập trung. Sự hợp tác còn là cách các DN chia sẻ được những khó khăn trong chuỗi sản xuất.
Chương trình giới thiệu, quảng bá hàng hóa là một kênh kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giữa DN với DN đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những thành phần tham gia. Trong Tuần lễ giới thiệu sản phẩm của 100 DN thành phố Hồ Chí Minh tại Bến Tre, với 150 gian hàng, đã có hàng trăm đơn hàng đã được các DN của thành phố và tỉnh Bến Tre ký đặt hàng sản xuất hoặc thu mua.
Trong những năm qua, đã có 51 lượt DN, 21 tổ hợp tác của Bến Tre ký 40 thỏa thuận hợp tác cung ứng hàng hóa cho DN tại TP Hồ Chí Minh, tạo ra mối liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng hàng hóa hai chiều. Chẳng hạn, siêu thị Saigon Co.op đã ký hợp đồng với nhà vườn ở huyện Chợ Lách tiêu thụ hoa kiểng trong các dịp lễ, Tết; Vissan ký bảy hợp đồng nguyên tắc với nhiều chủ trang trại heo ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc nhằm ổn định nguồn hàng thực phẩm để cung cấp cho thị trường...
Tính đến hết tháng 8-2017, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 1,902 triệu tỷ đồng, tăng 11,44% so cùng kỳ. Riêng chương trình kết nối ngân hàng - DN từ đầu năm đến nay đã thực hiện 12 cuộc kết nối, giúp 4.900 khách hàng vay 177 nghìn tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn này tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, khởi nghiệp, hỗ trợ công nghệ cao, thực hiện bảy chương trình đột phá của thành phố.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đánh giá, các ngân hàng cho DN vay với lãi suất ưu đãi và dài hạn đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trực tiếp giúp các DN, hộ kinh doanh tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của kinh tế thành phố.