Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã có hiệu lực thi hành từ năm 2018; Chính phủ và các bộ, ngành cũng như thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ...
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư và công nhân vận hành thiết bị phục vụ chế tạo sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Cơ điện Khôi Nguyễn, quận Bình Tân. (Ảnh CTV)
Kỹ sư và công nhân vận hành thiết bị phục vụ chế tạo sản phẩm cơ khí tại Công ty TNHH Cơ điện Khôi Nguyễn, quận Bình Tân. (Ảnh CTV)

Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố có khoảng 264.407 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Từ ngày 1/1/2018 (thời điểm Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu có hiệu lực) đến 30/6/2022, trên địa bàn thành phố có gần 184.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, chiếm khoảng 98,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, có khoảng 128.470 doanh nghiệp nhỏ và vừa tạm ngưng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và đã giải thể.

Còn theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), có hơn 30% số doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn về vốn sản xuất, kinh doanh; 31% số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường; 51% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và có tới 53% số doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực phù hợp...

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, do gặp nhiều vướng mắc, trở ngại trong các quy định pháp luật cho nên từ năm 2018 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn chưa triển khai được việc cấp vốn tín dụng đối với các khoản vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố. Việc cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cũng bế tắc. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Tài chính để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp bù lãi suất.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lệnh, cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần cập nhật thông tin chính sách, cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, tiếp cận các chính sách, thông tin cần thiết nhanh nhất có thể và phản ánh các vướng mắc. Cổng thông tin quốc gia này cần kết nối với trang thông tin điện tử của các địa phương để tiếp nhận thông tin liên quan tại địa phương...

Việc cấp tín dụng có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cần thống nhất các quy định phối hợp giữa Quỹ với tổ chức tín dụng; hình thành nguyên tắc bảo lãnh cho các doanh nghiệp thiếu vốn tạm thời, các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cần khoản vay có bảo lãnh chưa đáp ứng các quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định vay vốn tại tổ chức tín dụng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Hồng, để bảo đảm hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đạt hiệu quả cao và đúng theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính cần sớm hướng dẫn việc mua bảo hiểm rủi ro hoạt động bảo lãnh tín dụng để bảo đảm an toàn cho Quỹ; hướng dẫn cụ thể việc xây dựng quy chế xếp hạng tín dụng doanh nghiệp để làm cơ sở cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP; hướng dẫn cụ thể về hạn mức giá trị tối thiểu tài sản thế chấp của khách hàng cần có tại Quỹ đối với khoản vay cần có bảo lãnh.

Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Huỳnh Minh Tú đề nghị các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở thống nhất nội dung giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động của doanh nghiệp để hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tiễn kịp thời và thực chất hơn. Cùng với đó, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn...