Tác nghiệp ở Trường Sa

Quần đảo Trường Sa, vùng biển đảo linh thiêng của Tổ quốc gắn liền với những dấu mốc lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Được đến đây, đối với những người làm công tác báo chí đó là một trải nhiệm đáng quý và thật ý nghĩa.
0:00 / 0:00
0:00
Các phóng viên tác nghiệp trong chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh PHÚ HUÂN)
Các phóng viên tác nghiệp trong chuyến công tác trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh PHÚ HUÂN)

Có một tòa soạn giữa biển khơi

Đoàn công tác của chúng tôi với hơn 200 thành viên rời đất liền để lên tàu KN 491 hướng về Trường Sa, vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Trong số 10 phóng viên, nhà báo cùng tham gia đoàn công tác, phần lớn các anh em đều lần đầu tiên được đến Trường Sa. Mặc dù, hầu hết đều đã có thâm niên trong nghề nhưng chuyến tác nghiệp đặc biệt này vẫn khiến các phóng viên hồi hộp, lo lắng.

Trước khi lên tàu, nhà báo Trần Hoàng Hạnh Vân, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh mấy lần nhắc đồng nghiệp quay phim cùng kiểm tra thiết bị máy móc xem có thiếu hay quên món đồ nghề nào không. Hạnh Vân sợ rằng, khi tàu đã nhổ neo thì không có cách nào xử lý kịp. Nhà báo Phan Thanh Vũ, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ là người giàu kinh nghiệm tác nghiệp trên đảo nhiều nhất, khi đây là lần thứ hai anh ra Trường Sa.

Tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 1

Biên tập viên Trần Thanh Tú, Tạp chí Hậu cần Quân đội bên những em bé trên đảo Song Tử Tây.

Anh dặn dò các phóng viên trẻ: Do điều kiện sinh hoạt, khí hậu ngoài đảo rất khác đất liền cho nên để không bỏ lỡ những khoảnh khắc, thông tin mình cần, các bạn nên có một cuốn sổ để ghi lại các vấn đề cần khai thác. Đoàn công tác thường di chuyển liên tục và khá nhanh, sẽ không đủ thời gian cho các bạn “làm lại” một khi tàu đã rời đảo. Sóng điện thoại trên đảo cũng rất hạn chế cho nên việc gọi điện để phỏng vấn, xác minh cũng sẽ không thuận lợi như trên đất liền…

Thật may, chúng tôi được trấn an trước những lo lắng bởi trong đoàn có anh Đặng Thanh Tùng, phóng viên Báo Hải quân. Anh Tùng cho biết: Làm công tác tuyên truyền về Hải quân, bản thân anh đã nhiều lần đến với đảo cho nên các anh em cần thông tin, thắc mắc điều gì, lịch quay, phỏng vấn đối với cán bộ, chiến sĩ như thế nào anh sẽ trao đổi và cung cấp thêm thông tin.

Tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 2

Các nhà báo tác nghiệp trong lễ duyệt binh trên đảo Song Tử Tây vào trưa 30/4/2024.

Nhóm phóng viên đã thành lập một tòa soạn nhỏ ngay trên tàu để xuất bản mỗi ngày một số phát thanh phát trên tàu. Là người làm nghề gần 15 năm, hằng ngày đọc tin tức của đồng nghiệp, nghe hàng nghìn chương trình phát thanh nhưng quả thật, với những bản tin dù rất đơn giản chúng tôi vẫn nhận ra xúc cảm đặc biệt từ tiếng phát thanh trên tàu.

Đó là, một đoạn cảm nhận về những người lính trong tổ phục vụ trên tàu, hằng ngày thức dậy từ 3 giờ sáng, làm việc đến tận 12 giờ đêm để chuẩn bị bữa cơm cho mọi người; là khi phát thanh trực tiếp môn thi đấu cờ tướng trên tàu; là bài tổng thuật về các chương trình thi văn nghệ hằng đêm diễn ra trên boong tàu; nhất là bài phát thanh về Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma (14/3/1988). Lễ tưởng niệm diễn ra linh thiêng, trang trọng khiến nhiều thành viên không cầm được nước mắt. Các phóng viên di chuyển, tác nghiệp liên tục để không bỏ lỡ bất cứ một khoảnh khắc nào trong đợt tác nghiệp.

Tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 3

Nhà báo Nguyễn Phú Huân tác nghiệp trong hoạt động giao lưu văn nghệ trên nhà giàn DK1.

Vui với những tác phẩm tâm huyết

Biên tập viên trẻ Nguyễn Phú Huân, Đài Tiếng nói Việt Nam có lẽ là người sốt sắng nhất khi vừa lên đảo đã liên hệ ngay với cán bộ để hỏi về các địa điểm đoàn sẽ đến. Ngoài việc đưa tin, Phú Huân còn trực tiếp thực hiện việc phát tin cho kênh VOV live trên nền tảng Youtube. Với tác phong nhà lính, biên tập viên Trần Thanh Tú, Tạp chí Hậu cần Quân đội nhanh chóng ghi lại những thông tin cần khai thác.

Ở đảo Song Tử Tây, một sự kiện khiến đoàn công tác chúng tôi rất xúc động là Lễ diễu binh chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975-2024). Chúng tôi ai nấy đều tranh thủ lưu giữ lại những hình ảnh Lễ diễu binh bởi tất cả đều ý thức được rằng, để trở lại đây và được chứng kiến hình ảnh đó thêm một lần nữa là điều không đơn giản chút nào.

Tác nghiệp ở Trường Sa ảnh 4

Nhà báo Phan Thanh Vũ và nhà báo Trần Quang Quý phỏng vấn một gia đình sinh sống trên đảo Trường Sa lớn.

Cuốn nhật ký hành trình của các phóng viên đều đầy ắp những dòng thông tin để phôi thai cho những bài báo. Đoàn công tác ai nấy đều lưu giữ lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, những hình ảnh đẹp để khoe với bạn bè, đồng nghiệp; chúng tôi có thêm một hải trình đáng nhớ trong đời làm báo. Đó là niềm vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm với nghề, với cuộc sống để xứng đáng hơn với những vất vả, gian khó mà quân và dân trên quần đảo Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho biển đảo quê hương.

Tạm biệt Song Tử Tây, đoàn tiếp tục đến với các đảo: Sinh Tồn, Cô Lin, An Bang, Đá Đông (B), Đá Tây (A), Trường Sa, Ba Kè (DK1/20). Một hải trình giữa bao la biển khơi đầy ý nghĩa, hạnh phúc. Mỗi hòn đảo đi qua, chúng tôi đều có thêm những điều mới mẻ, chất liệu sống để gửi gắm vào những bài viết của mình.