Sức sống của liên hoan múa thành phố

Liên hoan nghệ thuật múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng lần VII- 2022 vừa kết thúc tại Nhà hát thành phố. Ban tổ chức đã trao năm giải A và nhiều giải B, C cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Qua bảy lần tổ chức có thể khẳng định, sức sống của Liên hoan múa thành phố vẫn được phát huy mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định thương hiệu của Hội Nghệ sĩ múa thành phố suốt thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Vòng tay” đoạt giải A của Liên hoan múa năm nay.
Tác phẩm “Vòng tay” đoạt giải A của Liên hoan múa năm nay.

Tác phẩm “Vòng tay” của Đình Lộc và Xuân Thảo nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả sau khi hai diễn viên và Quỳnh Hân kết thúc phần dự thi của mình. Hình ảnh gia đình 4.0, ba mẹ luôn tập trung vào công việc mà quên mất những cảm xúc gia đình. Họ trở thành những con robot việc nhà trong thời đại, đến khi đứa con gái thức tỉnh cha mẹ mình bằng những lời cầu xin vòng tay. Tác phẩm muốn nhắc nhở các bậc làm cha mẹ hãy luôn giữ cân bằng giữa cảm xúc gia đình và chuyện mưu sinh để nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ, đó cũng chính là tâm hồn của chính mình.

Chọn thể loại jazz đương đại, Đình Lộc và Xuân Thảo, Quỳnh Hân đã mang đến cho khán giả những vẻ đẹp tươi mới, sự đồng điệu qua những động tác khó, khi mạnh mẽ, khi mềm mại đã làm bật lên được chủ đề, ý nghĩa tác phẩm mà hai diễn viên muốn truyền tải đến người xem. Đây cũng là một trong năm tác phẩm xuất sắc nhận được giải A của Liên hoan nghệ thuật múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm nay.

Cũng mang đề tài của xã hội, “Mót chị”, là câu chuyện xúc động về tình chị em. Xa quê, nhiều người đã lên thành phố lập nghiệp với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Đó chính là câu chuyện mà biên đạo Thanh Tùng đã kể cho khán giả trong liên hoan múa lần thứ VII. Một câu chuyện về cuộc đời cũng như số phận của hai chị em nghèo phải mót từng hạt lúa, mót từng củ khoai để nuôi sống bản thân. Cha mất, mẹ bỏ lên Sài Gòn, vất vả nuôi em để rồi đến một ngày người chị cũng phải rời xa vùng quê nghèo để lên thành phố vì tương lai tốt đẹp hơn. Bằng những vũ điệu dân gian đương đại, Bách Diệp, Thanh Tùng của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã mang lại những giây phút lắng đọng cho người xem.

Theo ban tổ chức, liên hoan múa năm nay có sự tham gia của hơn 20 đoàn, vũ đoàn múa công lập và ngoài công lập của thành phố và các tỉnh lân cận tham gia với gần 50 tác phẩm múa ở nhiều thể loại khác nhau. Thể loại múa đương đại chiếm ưu thế trong số các tác phẩm dự thi. Nhiều đề tài mới, được xây dựng mới đã được đầu tư dàn dựng cho thấy rõ hơn tính tích cực của đội ngũ nghệ sĩ trẻ ngành múa hôm nay. Nghệ sĩ nhân dân Hà Thế Dũng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan nhận xét: Tác phẩm tham gia lần này không tăng về số lượng nhưng chất lượng mỗi tác phẩm đã mang đến liên hoan một diện mạo mới.

Mỗi tác phẩm dự thi đều có chủ đề thiết thực, màu sắc vùng, miền khá rõ nét, bố cục, thiết kế sân khấu, trang phục… phù hợp với quy chế liên hoan. “Tất cả tác phẩm đều xây dựng công phu từ ý tưởng, nội dung, kết cấu chặt chẽ, sáng ý cùng với lựa chọn âm nhạc tạo nhiều cảm xúc. Phương pháp sáng tác, năng lực diễn xuất có chọn lựa, mang tính sáng tạo”, Nghệ sĩ nhân dân Hà Thế Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo ban tổ chức, hai phần ba tác phẩm dự thi đều sử dụng âm nhạc nước ngoài, điều này ít nhiều làm hạn chế tính sáng tạo trong âm nhạc đối với nghệ thuật múa. Song song đó, các diễn viên tham gia liên hoan phần lớn đều chọn thể loại múa đương đại để thể hiện ý tưởng, sự sáng tạo của mình, trong khi đó những thể loại múa truyền thống, dân gian dân tộc vẫn chưa được các diễn viên trẻ quan tâm nhiều trong liên hoan lần này. “Câu hỏi đặt ra đối với nghề nghiệp là giá trị cốt lõi của nghệ thuật múa nằm ở đâu, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa nước nhà, hướng giải quyết những năm tiếp theo sẽ như thế nào?”, Nghệ sĩ nhân dân Hà Thế Dũng băn khoăn.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh Lê Nguyên Hiều cho hay: Liên hoan nghệ thuật múa Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng đã trở thành thương hiệu của Hội Nghệ sĩ múa Thành phố, bởi nhiều Hội Nghệ sĩ múa của các tỉnh, thành phố trong cả nước và ngay cả Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng chưa lần nào tổ chức được liên hoan như Hội Nghệ sĩ múa thành phố. Mục đích và tiêu chí lớn nhất của liên hoan, đó là tạo sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong các lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn.

Ngoài ra, liên hoan còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động nghệ thuật của mình. “Chính vì mục đích đó, mỗi kỳ liên hoan đã qua luôn có nhiều tác phẩm dần định hình xu hướng sáng tác mới nên không chỉ tạo niềm hưng phấn cho khán giả, mà còn được những đồng nghiệp trong nghề đánh giá cao về tài năng chuyên môn, tính sáng tạo đặc sắc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh Lê Nguyên Hiều cho biết.