Sức bật mới cho giao thông thành phố

Với sự nỗ lực và quyết tâm của ngành giao thông để thay đổi toàn diện hạ tầng giao thông đô thị góp phần phát triển kinh tế-xã hội, năm 2023 giao thông đô thị của thành phố được kỳ vọng sẽ khoác chiếc áo mới, tạo sức bật vươn lên…
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố tham dự lễ chạy thử nghiệm chuyến tàu Metro Bến Thành-Suối Tiên.
Lãnh đạo thành phố tham dự lễ chạy thử nghiệm chuyến tàu Metro Bến Thành-Suối Tiên.

Sau hơn 10 năm chờ đợi, sự kiện chuyến tàu Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên lăn bánh chạy thử nghiệm trong niềm hân hoan của lãnh đạo thành phố cũng như đội ngũ đông đảo kỹ sư, công nhân lao động đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai dự án, tiến tới khai thác thương mại vào cuối năm 2023. Với nguồn vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, tuyến Metro số 1 dài 19,7km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, được đánh giá là công trình thi công phức tạp, công nghệ hiện đại.

Đây cũng là tuyến Metro thi công xây dựng đầu tiên của cả nước, khi đưa vào khai thác vận hành cuối năm 2023 sẽ giải quyết chuyên chở hàng chục nghìn hành khách mỗi ngày, góp phần hình thành loại hình vận tải có sức chở lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) Nguyễn Quốc Hiển cho biết: Đến nay, dự án đã hoàn thành 94% khối lượng với 54 triệu giờ công lao động an toàn. Dự kiến đầu quý II/2023 sẽ lắp đặt xong toàn bộ thiết bị từ ga Bình Thái đến ga Bến Thành, sau đó tiếp tục chạy tàu thử nghiệm trên các đoạn còn lại. Đến quý III/2023 sẽ chạy thử nghiệm trên toàn tuyến và sau đó khai thác thương mại…

Hiện toàn dự án đã có 17/17 đoàn tàu gồm 51 toa được nhập từ Nhật Bản về Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự lễ chạy thử nghiệm chuyến tàu Metro Bến Thành-Suối Tiên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường bày tỏ niềm vui: “Tuyến Metro số 1 không chỉ tạo dấu ấn là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn giúp kết nối khu vực phía đông với trung tâm thành phố, từ đó kết nối các khu đô thị mới, khu công nghệ cao, làng Đại học Quốc gia, kể cả kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tạo nên sức bật mới cho thành phố, nhất là giải quyết bài toán giao thông đô thị. Tuyến Metro số 1 hoàn thành còn tạo động lực để thi công tuyến Metro số 2, dần hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Sau thời gian gấp rút chuẩn bị, được Quốc hội thông qua, dự án xây dựng đường Vành đai 3 có nguồn vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, là tuyến đường giao thông liên vùng dài 76km kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6/2023. Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc đầu tư dự án đường Vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển không gian đô thị cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giảm chi phí vận tải; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, một trong những giá trị mà dự án đường Vành đai 3 mang lại là tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Thể hiện quyết tâm cao thực hiện dự án trọng điểm này, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tham gia thực hiện như UBND các địa phương, các sở, ngành, chủ đầu tư phải chung sức, đồng lòng cùng phối hợp thực hiện dự án thành phần 2 - Bồi thường hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm kế hoạch, tiến độ đề ra.

Theo đó, thực hiện đúng tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng để thi công trước ngày 30/6/2023 theo Nghị quyết số 57/2022/QH ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ và bàn giao mặt bằng 100% diện tích trước ngày 31/12/2023. Ngoài ra, dự kiến trước ngày 30/6/2023 bàn giao 90% mặt bằng khu vực dự án. Đồng thời, theo kế hoạch, thành phố sẽ phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2023 để sớm có mặt bằng thi công dự án này.

Cùng với những công trình giao thông trọng điểm, liên vùng, trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến khởi công hàng loạt dự án giao thông nhằm tạo sự chuyển biến về hạ tầng của “đầu tàu” kinh tế, đáp ứng sự chờ đợi của người dân thành phố. Cụ thể, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị sẽ tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án Vành đai 2, Vành đai 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Bến Lức-Long Thành.

Đồng thời, ưu tiên vốn ngân sách để thi công nhiều cây cầu lớn kết nối các khu vực ngoại ô với nội đô như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên. Cùng với đó là các tuyến đường trên cao số 1, số 5…; nỗ lực đưa các dự án vừa khởi công về đích đúng tiến độ như dự án mở rộng quốc lộ 50, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, nút giao An Phú. Ngoài các dự án kết nối đường bộ, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết: Năm 2023 đơn vị sẽ đẩy mạnh thủ tục liên quan để sớm đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa bằng phà biển từ huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh đi Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại (phà Cần Giờ-Vàm Láng); tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại...

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, chỉ tiêu mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố ước đạt 2,38km/km², chiều dài đường tăng thêm khoảng 35km, số cầu tăng thêm khoảng 15 cầu. Tổng kế hoạch vốn thành phố giao cho Sở Giao thông vận tải năm 2022 hơn 3.600 tỷ đồng, giải ngân trong năm 2022 ước đạt 96% (cao hơn 2,8% so với cùng kỳ năm 2021 là 93,2%).