Sắp xếp đơn vị hành chính: Kết quả từ “quyết tâm, quyết làm” của tỉnh Nam Định

Với tinh thần "quyết tâm, quyết làm", tỉnh Nam Định đã sớm hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần tập trung nguồn lực, mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới cho Nam Định.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi sáp nhập, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) có điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển. (Ảnh: VIẾT DƯ)
Sau khi sáp nhập, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) có điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển. (Ảnh: VIẾT DƯ)

Nam Định là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỉnh có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp, sáp nhập lớn, với 2 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; 77 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, gồm 55 xã, 17 phường, 5 thị trấn.

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh Nam Định đều nhất quán chủ trương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, tạo không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao quản lý Nhà nước.

Đảng bộ tỉnh Nam Định xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải phát huy vai trò nêu gương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; làm đến đâu chắc đến đó, xã nào thuận lợi làm trước, khó khăn làm sau, tập trung làm dứt điểm. Trong suốt quá trình triển khai thực hiện phải luôn bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết: Sau khi có Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15, ngày 23/7/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho việc triển khai được thuận lợi.

Với tinh thần “quyết tâm, quyết làm”, ngay sau khi có các văn bản của Trung ương, trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2023), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã hoàn thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tỉnh cũng đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc, giao việc cụ thể cho các cấp, ngành, đoàn thể. Theo đó, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện.

Mặt khác, kịp thời nắm bắt, phản ánh tình hình dư luận sau sắp xếp đơn vị hành chính; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các địa phương, cơ sở được sắp xếp để kiện toàn bộ máy, tổ chức hội, đoàn tại địa phương theo điều lệ của tổ chức mình; phối hợp đề xuất giải pháp giải quyết chế độ, chính sách cho các cán bộ thôi công tác đoàn thể do dôi dư sau sắp xếp.

Quá trình triển khai, việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính được nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện các phương án, lịch sử hình thành, phát triển của đơn vị hành chính, bảo đảm phù hợp và tương đồng về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, tạo sự thống nhất, đồng thuận và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương sau sắp xếp.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên đã thông, người dân đã hiểu và đồng thuận, nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập. Không khí dân chủ thực sự thể hiện qua kết quả lấy ý kiến cử tri tại các địa phương thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân đồng thuận, ủng hộ đạt rất cao, từ 85% trở lên.

Nhờ đó, tỉnh Nam Định đã thuận lợi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 51 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 42 xã, 8 phường, 1 thị trấn). Hiện, tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 8 huyện và thành phố Nam Định); 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn); sau sắp xếp, các đơn vị đã hoạt động ổn định từ ngày 1/9/2024.

Dù triển khai trong thời gian ngắn, khối lượng công việc lớn, nhưng “ý Đảng hợp lòng dân”, Nam Định là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và đưa bộ máy các đơn vị hành chính mới nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả; tạo thêm niềm tin, khí thế mới, mở ra không gian và tạo động lực phát triển mới để Nam Định tăng tốc, bứt phá, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Với kết quả này, Nam Định được Thủ tướng Chính phủ biểu dương đã thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Sắp xếp đơn vị hành chính: Kết quả từ “quyết tâm, quyết làm” của tỉnh Nam Định ảnh 2
Sắp xếp, sát nhập đơn vị hành chính tạo tiền đề quan trọng trong thực hiện Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn 2050. (Ảnh: VIẾT DƯ)

Nói về hiệu quả của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy Nam Định cho biết: Sau khi sắp xếp, bộ máy của hệ thống chính trị thành phố được tinh gọn; tổng số thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc trước khi sắp xếp, sáp nhập là 718 đơn vị; sau sáp nhập, thành phố Nam Định còn 291 đơn vị, giảm được 427 đơn vị thôn, xóm, tổ dân phố.

Đặc biệt sau khi sắp xếp thì xóa được xóm, tổ dân "trắng" chi bộ hoặc chi bộ ghép, xóa được việc thiếu các tổ chức đoàn thể; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng.

Bên cạnh đó, không gian phát triển của thành phố Nam Định được mở rộng, góp phần tạo động lực để thành phố tăng tốc phát triển, trở thành một trong bốn cực tăng trưởng của tỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.