Do đó, từ ngày 1/9/2024, đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 120,90 km2 và dân số hơn 364 nghìn người; 14 phường, 7 xã. Từ đây, thành phố Nam Định có điều kiện mở rộng không gian phát triển, dư địa, động lực phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thành ủy Nam Định cho biết: Thành phố Nam Định từ lâu là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của tỉnh. Trước khi mở rộng, thành phố có 25 đơn vị hành chính cấp xã (22 phường, 3 xã), với diện tích 46,41 km2, dân số 280.136 người. Những năm qua, thành phố Nam Định đã có sự phát triển nhanh chóng.
Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, diện mạo đô thị thay đổi. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, an sinh xã hội được quan tâm, đầu tư; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt hơn 90 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,06%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng đổi mới về phương thức hoạt động trên từng lĩnh vực. Hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao.
Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố và phát huy sức mạnh. Tuy nhiên, vì thành phố Nam Định đã hơn 100 tuổi, cho nên xuất hiện những khó khăn, bất cập, nhất là bị “kìm hãm” bởi quy mô diện tích thành phố nhỏ, dẫn đến không gian phát triển bị chia cắt.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Anh Tuấn: Nghị quyết 1104 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Nam Định nói chung và thành phố Nam Định nói riêng.
Sau khi sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố và sắp xếp, sáp nhập các phường, xã, thành phố đã giảm từ 36 xuống còn 21 đơn vị hành chính cấp xã; đội ngũ cán bộ được tinh giản, lựa chọn, sắp xếp lại và bố trí công việc phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là các lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực như: cải cách thủ tục hành chính; giải quyết các dịch vụ hành chính công; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; quản lý đất đai; quản lý trật tự đô thị; quản lý dân cư.
“Thành phố Nam Định sau sáp nhập sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển, tăng diện tích đất xây dựng đô thị, tạo dư địa phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Các nguồn vốn sẽ được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch đáp ứng ngay Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050”, Bí thư Thành ủy Nam Định Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Qua trao đổi với lãnh đạo thành phố Nam Định, chúng tôi được biết, thời gian tới, thành phố Nam Định sẽ tập trung xây dựng và phát triển thành phố với trọng tâm là tổ chức không gian đô thị và đầu tư, phát triển theo mô hình đa cực; trong đó tập trung đầu tư, phát triển theo quy hoạch mới, xác định lại sông Đào là trục xương sống của thành phố, phát triển thành phố hai bên sông, lấy đô thị cũ làm trung tâm kết nối, tạo các trục kết nối hai bờ sông với không gian mở vào trong trung tâm đô thị cũ và trung tâm mới phía nam sông Đào.
Cùng với đó, thành phố sẽ hình thành vùng phát triển đô thị trung tâm với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh; vùng phát triển đô thị về phía tây và tây bắc là hướng phát triển các khu vực đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, công nghiệp và trung chuyển đầu mối giao thông, hàng hóa đối ngoại của đô thị, các khu dân cư, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vùng phát triển đô thị về phía nam và đông nam thành phố, dọc vành đai 1 và trục mới song song với Quốc lộ 21 hướng đi xuống phía nam sẽ phát triển đô thị dịch vụ thương mại mới, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông nghiệp.
Thành phố sẽ nhanh chóng cụ thể hóa và hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050; công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai các quy hoạch phân khu để các dự án được kịp thời triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; cải thiện môi trường đầu tư; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các công trình trên địa bàn thành phố; lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại theo hướng ưu tiên các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường.
Hiện nay, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông để tạo sự đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong thành phố và hạ tầng giao thông quốc gia; trong đó, hoàn thành đầu tư xây dựng đường trục trung tâm phía nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, tuyến đường trục phía nam thành phố đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B để kết nối thành phố với tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ mới ven biển, trở thành tuyến giao thông chính kết nối các huyện phía nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị hóa cho khu vực phía nam sông Đào.