Sắp xếp nhân sự dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, các tỉnh, thành phố duyên hải Nam Trung Bộ đã nỗ lực sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Cùng lúc thực hiện nhiều đề án, chính sách, cho nên số nhân sự trong bộ máy hành chính dôi dư lớn; nhiều vấn đề phát sinh ở cơ sở cần giải quyết để vừa bảo đảm đúng quy định và phù hợp thực tế tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ-kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ-kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Quảng Ngãi.

Trong giai đoạn 2019-2021, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hòa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Sau gần ba năm thực hiện, các tỉnh đã sắp xếp 23 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn xuống còn 10 đơn vị hành chính, giảm 13 xã; sáp nhập hai huyện, giảm một huyện so với thời điểm chưa sắp xếp.

Đưa cán bộ không chuyên trách cấp xã về làm công tác thôn

Quá trình thực hiện việc sắp xếp, tinh giản các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế cho thấy công tác sắp xếp cán bộ, công chức, người không chuyên trách cấp xã là vấn đề khó khăn nhất đối với các địa phương. Vì vậy, các tỉnh, thành phố áp dụng chính sách theo quy định, bổ sung nhiều chính sách phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương để giải quyết khó khăn này.

Ðầu năm 2020, tỉnh Phú Yên sáp nhập hai xã An Hòa và An Hải để thành lập xã An Hòa Hải, huyện Tuy An. Sau khi sáp nhập, xã An Hòa Hải đã bố trí 23 cán bộ, công chức và dôi dư 21 trường hợp.

Khó khăn nhất trong công tác sắp xếp nhân sự tại đây là số cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư. Theo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự thì số cán bộ dôi dư này sẽ được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc. Trong số 28 cán bộ xã không chuyên trách có 14 trường hợp được sắp xếp tiếp tục làm việc ở xã mới, dôi dư 14 trường hợp. Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân xã An Hòa Hải vận động 10 cán bộ, công chức dôi dư về làm công tác ở thôn, nhờ đó chuẩn hóa cán bộ thôn hỗ trợ tích cực cho chính quyền cơ sở.

Ðồng chí Trần Sáu, Bí thư Ðảng ủy xã An Hòa Hải cho biết: địa phương linh động sắp xếp, vận động 10 cán bộ không chuyên trách cấp xã về phụ trách mặt trận, bí thư chi bộ và trưởng thôn trên địa bàn xã. Một số cán bộ thôn lớn tuổi, không đủ chuẩn theo quy định mới, được động viên nghỉ công tác và nhận được sự đồng thuận vì nhiệm vụ chung. Với mục tiêu chọn người biết địa bàn để quản lý, điều hành, nhất là lĩnh vực đất đai, địa chính, tư pháp, do đó công tác sắp xếp bảo đảm lưỡng toàn giữa hai đơn vị sáp nhập.

Bên cạnh đó, huyện Tuy An luân chuyển cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập xã sang xã thiếu cán bộ; vận động một số cán bộ, công chức lớn tuổi về hưu trước thời hạn để củng cố bộ máy hành chính.

Tùy điều kiện, thực tiễn từng địa phương, công tác sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư được thực hiện từng bước bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Trước khi sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Nam có 244 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố. Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Nam sáp nhập sáu xã, thị trấn còn ba đơn vị hành chính, giảm ba xã so với trước. Sau khi kiện toàn bộ máy, số cán bộ, công chức và người không chuyên trách dôi dư đến 100 người.

Để giải quyết bài toán dôi dư cán bộ, công chức xã, tỉnh Quảng Nam kiên trì vận động, làm tốt công tác tư tưởng các trường hợp trong diện sắp xếp; đồng thời, linh hoạt vận dụng các chính sách để giải quyết quyền lợi cho nhân sự cấp xã sau khi sắp xếp.

Ðồng chí Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam

Ðối với người không chuyên trách cấp xã dôi dư, tỉnh thực hiện chế độ hỗ trợ thôi việc; Theo đó, mức hỗ trợ thôi việc mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng và mỗi năm công tác không tham gia bảo hiểm xã hội được hỗ trợ một tháng phụ cấp hiện hưởng... Qua 5 năm quyết liệt thực hiện, đến nay, các địa phương ở Quảng Nam giải quyết, bố trí căn bản xong 58 cán bộ, công chức xã.

Tinh gọn bộ máy cấp huyện gắn với đề án vị trí việc làm

Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2019-2021. Năm 2020, tỉnh sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng. Hơn 1.300 cán bộ, viên chức cấp huyện và 227 người cấp xã cần sắp xếp. Huyện Trà Bồng chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính gắn với đề án vị trí việc làm; sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức dôi dư gắn với tinh giản biên chế. Sau gần ba năm thực hiện, 1.245 người được bố trí việc làm ở huyện mới; 108 công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc ở các xã sáp nhập; tinh giản 290 người so với trước.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngoài chính sách của bộ, ngành Trung ương, thì đối với trường hợp tự nguyện nghỉ việc mỗi năm được hỗ trợ 6 triệu đồng; đối với người không chuyên trách cấp xã mỗi năm được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Thực tế sau khi triển khai chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập huyện cho thấy, chính sách hỗ trợ theo quy định của bộ, ngành Trung ương cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của địa phương còn ít, cho nên nhiều trường hợp đủ tiêu chuẩn, đủ tuổi nghỉ trước hạn lại không mặn mà với việc tự nguyện thôi việc.

Theo thống kê của huyện Trà Bồng, trong số cán bộ, công chức dôi dư thì số người có chuyên môn phù hợp với đề án vị trí việc làm chiếm gần 70%; 30% trường hợp dôi dư chưa phù hợp với đề án việc làm, phải bố trí về các cơ quan, đoàn thể. Việc dôi dư nhân lực không phù hợp đề án vị trí việc làm khiến nơi thừa nơi thiếu, ảnh hưởng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính.

Ðại diện Phòng Nội vụ huyện Trà Bồng cho rằng, để khích lệ những trường hợp đủ điều kiện nghỉ trước tuổi, không phù hợp với đề án việc làm, mong muốn tự nguyện thôi việc, cơ quan chức năng cần có thêm chính sách hỗ trợ. Từ đó, sẽ khuyến khích nhiều cán bộ, công chức dôi dư nghỉ theo chế độ sau khi sắp xếp.

Cần thêm nhiều chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư

Trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn ở cơ sở cần giải quyết, tháo gỡ. Thực tế đã triển khai tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cho thấy, số lượng nhân sự cấp xã, cấp huyện dôi dư nhiều do cùng lúc thực hiện Nghị định số 34/2019/NÐ-CP của Chính phủ, Ðề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã và sáp nhập đơn vị hành chính. Công tác sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách gặp nhiều khó khăn do không có biên chế để bố trí, đồng thời phải giải quyết chế độ, chính sách cho các trường hợp dôi dư.

Bên cạnh đó, thời gian, lộ trình sắp xếp ngắn; chế độ, chính sách chưa đủ mạnh để động viên, khuyến khích cán bộ nghỉ việc, cho nên khó tinh gọn bộ máy hành chính. Nhiều địa phương cho rằng, nếu có thêm chính sách hỗ trợ khuyến khích công chức tự nguyện nghỉ việc thì số dôi dư sẽ giảm ở các cấp cơ sở.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, các bộ, ngành Trung ương cần có văn bản hướng dẫn liên quan đến các quy định về chính sách, phụ cấp đối với những đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp. Ðồng thời, cần kéo dài thời gian thực hiện công tác giải quyết cán bộ, công chức dôi dư.

Ðối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, số lượng người sắp xếp và dôi dư đông, do đó cần giãn lộ trình hơn 60 tháng để bảo đảm việc bố trí tinh gọn, phù hợp hơn. Bên cạnh đó, sáp nhập cấp huyện địa bàn rộng, đầu mối đơn vị hành chính cấp xã nhiều cần số lượng cán bộ, công chức phù hợp thực tế để phục vụ nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Ðồng chí Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng kiến nghị, cần có chế độ, chính sách hợp lý để khuyến khích cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo chính sách tinh giản biên chế hoặc thực hiện chính sách thôi việc để giảm số người theo quy định.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp ba huyện và 10 đơn vị hành chính cấp xã. Qua sắp xếp ba huyện còn hai huyện, sẽ dôi dư 170 công chức, viên chức; đồng thời dôi dư 150 cán bộ, công chức cấp xã và gần 90 người không chuyên trách. Số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều, trong khi lộ trình sắp xếp cán bộ ngắn, cho nên việc sắp xếp bộ máy hành chính sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần xem xét ban hành cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư nhưng chưa bố trí, sắp xếp được công việc.

Đồng chí Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, hiện nay các tỉnh đã tiến hành rà soát, lên phương án sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, xã không đủ tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc tiếp tục được tháo gỡ, điều chỉnh, bổ sung chính sách bảo đảm quá trình thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế đạt hiệu quả nhất.