Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chủ lực của nước ta với diện tích tự nhiên 4,092 triệu ha. Trong đó, 2,575 triệu ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Diện tích sản xuất lúa khoảng gần 1,6 triệu ha. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng lúa sản xuất và xuất khẩu hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, bên cạnh những thành công đạt được, việc sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long còn có một số hạn chế như: Thu nhập của nông dân trồng lúa còn khá thấp; các biện pháp canh tác lúa vẫn còn chưa bền vững.
So sánh theo kết quả của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế. |
Việc sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh và lãng phí tài nguyên nước dẫn đến giá thành sản xuất còn khá cao; thất thoát sau thu hoạch còn cao; chất lượng lúa gạo còn chưa đồng đều; sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết bền chặt giữa người trồng lúa với các hợp tác xã và doanh nghiệp...
Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc - ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023 tại Quyết định 1490/ QĐ-TTg nhằm mục đích phát triển một ngành hàng lúa gạo Việt Nam có chất lượng cao, bền vững và thân thiện với môi trường và giảm phát thải.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Cần Thơ triển khai mô hình canh tác lúa giảm phát thải theo quy trình của Cục Trồng trọt bao gồm với tổng diện tích là 155ha.
Đến nay, đánh giá bước đầu, phần lớn số nông dân tham gia đề án ở giai đoạn 2024-2025 đều tập trung vào các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT).
Việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa khá dễ dàng và thuận lợi. Người dân sản xuất lúa thấy rõ hiệu quả của các giải pháp giảm chi phí từ việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, người dân chỉ ra những khó khăn như việc thu rơm ra khỏi ruộng vụ hè thu và thu đông rơm bị ướt khó thu hồi. Sự vào cuộc của doanh nghiệp thu mua lúa gạo để thể hiện vai trò trung tâm trong chuỗi liên kết chưa thật sự quyết liệt...
Cấy lúa bằng máy trên cánh đồng lúa chất lượng cao tại huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ). |
Tại tỉnh Sóc Trăng, sau khi thực hiện đề án, tỉnh cũng đối mặt một số khó khăn nhất định.
Theo đó, xử lý rơm rạ vụ hè thu là thách thức lớn đối với nông dân. Thí dụ, nếu thu hoạch xong gặp mưa, không thể cuộn rơm ra khỏi đồng, khi đó người dân phải tốn thêm chi phí thuê lao động đưa rơm ra khỏi đồng. Hệ thống thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh. Tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão và thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vào mùa khô vẫn diễn ra.
Ngoài ra, theo đánh giá của cơ quan chức năng, biến đổi khí hậu gây nắng nóng xâm nhập mặn tại địa phương có tính chu kỳ (2 đến 3 năm một lần) cũng ảnh hưởng quá trình sản xuất.
Việc rút nước giai đoạn lúa từ 12 đến 22 ngày sau sạ chưa được nông dân đồng thuận. Giai đoạn này nông dân dùng nước để ém cỏ, nếu rút nước khô, cỏ dại sẽ bùng phát, tốn thêm chi phí diệt cỏ và hiệu quả diệt cỏ không cao.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện trạng sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đầu tiên là thiếu vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Lượng giống, vật tư, hóa chất đầu vào còn lớn gây lãng phí và làm suy giảm tài nguyên, ô nhiễm đất và nước, gây phát thải khí nhà kính...
Tín hiệu vui từ lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Việc tổ chức sản xuất và thay đổi nhận thức của người nông dân về kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là vấn đề cần giải quyết. Cơ chế, chính sách để triển khai đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp còn bất cập, cần sự vào cuộc, tham gia của nhiều cấp, ban ngành.
Nguồn vốn thực hiện đề án còn hạn chế. Năm 2024, đơn vị chưa được bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ. Một số nội dung (kinh phí tài trợ của các đối tổ chức nước ngoài) đòi hỏi quy trình và thủ tục phức tạp dẫn đến ảnh hưởng các nhiệm vụ khác.
Để đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên phát huy hiệu quả, cần tăng cường sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Đề án, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với toàn bộ nội dung, hoạt động của dự án. Tăng cường sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đối với các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai các nội dung hoạt động tại địa phương.
Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống khuyến nông cộng đồng, khuyến nông cơ sở tại các địa bàn triển khai.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, qua việc thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai đề án nêu trên tại Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ cho thấy còn một số hạn chế như một vài thành viên hợp tác xã chưa nhận thức đầy đủ về việc tham gia thực hiện mô hình.
Công tác tuyên truyền về đề án có lúc bị sai lệch về mục đích, ý nghĩa nên thiếu tập trung vào chuyên môn, kỹ thuật giảm chi phí, giảm phát thải. Hiểu biết của nông dân về đề án còn hạn chế...
Cần thay đổi nhận thức của người nông dân về kỹ thuật sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Vì thế, thời gian tới, các địa phương cần có quyết tâm cao và thường xuyên quan tâm, đôn đốc, động viên, khích lệ việc tham gia mô hình là điểm quan trọng để mô hình thành công. Cần có sự đồng hành mạnh mẽ của doanh nghiệp trong liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ...
Ngoài ra, cần xem xét bổ sung hoàn thiện “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Tiếp tục thực hiện vụ thứ hai của mô hình với quy trình nghiêm ngặt hơn. Mở rộng diện tích mô hình theo quy mô của cánh đồng, thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật và sản lượng, truy xuất nguồn gốc....