Nông dân Hải Phòng đẩy mạnh phát triển lúa hữu cơ

NDO - Trên những cánh đồng rươi quanh năm ngập nước tại Hải Phòng giờ đây phủ một màu xanh của lúa. Nhờ biết thay đổi, áp dụng và mạnh dạn đầu tư mà mô hình “rươi - lúa” hữu cơ của người dân nơi đây đang ngày một nhân rộng và mang lại hiệu quả cao.
0:00 / 0:00
0:00
Những thửa ruộng tươi tốt của nông dân xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy trồng theo phương pháp hữu cơ.
Những thửa ruộng tươi tốt của nông dân xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy trồng theo phương pháp hữu cơ.

Cây lúa, con rươi - “bộ đôi hoàn hảo”

Tìm về xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, địa phương có diện tích hàng chục ha đầm nuôi rươi nước lợ, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh các đầm rươi bỏ hoang được thay thay thế bằng những thửa ruộng tươi tốt. Nếu như trước kia, trên cùng một diện tích đất, một năm nông dân chỉ khai thác được một vụ rươi thì giờ đây đã thu hoạch được thêm một vụ lúa, với giá trị kinh tế ngang bằng con rươi.

Bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc cho biết, hiện nay trên địa bàn xã đang có khoảng 100 ha diện tích trồng lúa hữu cơ, chủ yếu là tại ruộng rươi. “Với điều kiện tự nhiên là những đầm đất giàu phù sa ven sông Văn Úc bị bỏ hoang cùng việc đánh giá hiệu quả thực tế từ khai thác rươi trên diện tích đó, bà con nông dân đã tích cực chuyển hướng sang mô hình rươi lúa để vừa tiến hành khai thác ngư lợi, vừa tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Sắp tới địa phương dự tính sẽ mở rộng vùng sản xuất này lên 200 ha”, bà Hằng cho biết.

Anh Lương Văn Cường ở xã Ngũ Phúc hiện đang có 125 mẫu (3600m2/mẫu) đầm rươi. Từ khi liên kết với Công ty Hải Âu Việt và Hợp tác xã nông nghiệp Thụy Hương cấy các giống lúa trên đầm rươi đã cho hiệu quả cao. Năng suất lúa đạt trên 1 tấn/sào/năm, thu lợi nhuận hằng năm từ rươi và lúa trên 600 triệu đồng. Lúa rươi được thu mua tại ruộng có giá 10.000 đồng/kg.

Nông dân Hải Phòng đẩy mạnh phát triển lúa hữu cơ ảnh 1

Những thửa ruộng tươi tốt của nông dân xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy trồng theo phương pháp hữu cơ.

Sự thành công từ mô hình “lúa - rươi” đem lại kết quả tích cực, vừa góp phần nâng cao kinh tế cho người dân đồng thời bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và cải tạo môi trường sống cho rươi. Nhiều người vẫn thường gọi vui đây là bộ đôi “hoàn hảo”. Bởi, trong quá trình sản xuất, để giữ năng suất và chất lượng rươi nông dân không được lạm dụng các loại thuốc và phân bón hóa học. Rơm rạ, thóc rơi vãi chính là nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi, giúp ruộng rươi thêm màu mỡ. Ngược lại, phân và tập tính làm tơi xốp đất của rươi giúp cây lúa sinh trưởng tốt hơn, cho ra hạt gạo có chất lượng thơm ngon, mềm dẻo và an toàn cho sức khỏe. Diện tích đất trồng chủ yếu là đất ngoài đê nên nguồn nước đảm bảo sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật giúp đảm bảo môi trường sống cho rươi và lúa sẽ đạt chuẩn hữu cơ. Trong sự kết hợp này, cả cây lúa và con rươi đều mang lại mặt lợi mà không gây hại cho nhau.

Để đảm bảo đầu ra cho bà con, địa phương cũng tạo điều kiện giúp nông dân liên kết với các đơn vị doanh nghiệp và hợp tác xã, trong đó tiêu biểu như Công ty Hải Âu Việt, Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Hương,...Gạo rươi sản xuất ra được các đơn vị bao tiêu và phân phối trên thị trường toàn quốc. Đặc biệt là các sản phẩm gạo ST25, ST24 vốn đã thơm ngon, khi được trồng trên ruộng rươi lại càng ngon hơn nữa.

Phát triển lúa hữu cơ hướng tới liên kết nông dân - doanh nghiệp

Mô hình canh tác lúa - rươi mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Ngoài việc thu lợi nhuận từ con rươi, lúa gạo thu hoạch được trên ruộng rươi được thu mua với giá cao gấp đôi gạo được trồng bằng phương pháp truyền thống. Sản phẩm gạo rươi hiện nay rất được thị trường ưa chuộng dù giá cao gấp đôi, gấp ba lần gạo thường.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ: “Hai năm nay từ khi biết tới sản phẩm gạo rươi ST25 được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo sạch thì gia đình tôi chỉ dùng loại gạo này. Dù giá không hề rẻ nhưng nguồn gốc rõ ràng, chất lượng lại thơm ngon nên gạo rươi luôn là ưu tiên số một của tôi”.

Là một trong những người tiên phong trong việc vận động người dân thực hiện kết hợp trồng lúa trên đầm rươi, bà Nguyễn Thị Hà (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Hương, huyện Kiến Thụy) cho biết: “Qua đối chứng giữa hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín bằng phương pháp hữu cơ với lối canh tác truyền thống, nông dân nhận thấy trồng lúa theo phương pháp hữu cơ có giá trị cao gấp đôi bình thường. Từ đó hợp tác xã đã đồng hành cùng nông dân xây dựng nên các dòng gạo hữu cơ thương phẩm như ST24, ST25, tím thảo dược, huyết rồng,...từ VietGAP chuyển sang hữu cơ, trong đó các loại gạo ruộng rươi là sản phẩm tiêu biểu”.

Bà Hà chia sẻ: “Không chỉ riêng Kiến Thụy mà cả Hải Phòng hiện đang có hàng nghìn ha đầm rươi nước lợ. Đây là lợi thế “trời phú” cho vùng đất cửa biển, nếu địa phương khai thác tốt thì đây thực sự là “mỏ vàng” của ngành nông nghiệp đất Cảng. Người dân có thể thu được hàng tỷ đồng mỗi năm từ rươi và lúa mà không lo đầu ra đồng thời doanh nghiệp có sản phẩm gạo ngon, đảm bảo chuẩn hữu cơ để cung ứng cho thị trường. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch tăng cao thì đây chính là cơ hội để nhân rộng mô hình độc đáo này”.

Bên cạnh đó, mô hình cũng có những mặt hạn chế. Vì phải cấy thưa và thu hoạch bằng tay nên năng suất và sản lượng không cao. Đáng ngại nhất là tình trạng xâm nhập mặn. “Những năm gần đây, việc sản xuất và thu hoạch của bà con bị ảnh hưởng nhiều do nước mặn tràn vào, khiến sản lượng rươi lúa bị sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có năm mất trắng. Đây là vấn đề canh tác thuận theo tự nhiên nên vẫn chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm”, bà Hà cho hay.

Dù có tiềm năng rất lớn nhưng diện tích cấy lúa ST24, ST25 hữu cơ tại khu vực ven biển phía Bắc còn hạn chế, đặc biệt là gạo ruộng rươi chỉ có tại các tỉnh có rươi nên sản phẩm này luôn trong tình trạng “cháy hàng”, dẫn tới nguồn cung không đủ. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ để đảm bảo nhu cầu thị trường, đồng thời cũng là cơ hội gia tăng hợp tác sản xuất và bao tiêu giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Thanh Huyền (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy) cho biết: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được thành phố và huyện quan tâm, định hướng phát triển. Với hàng trăm ha diện tích đất bãi ven sông văn Úc, là lợi thế để huyện Kiến Thụy hình thành và phát triển thương hiệu gạo ruộng rươi với 8 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao được thành phố đánh giá xếp hạng. Quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt hữu cơ cũng được thành phố và huyện quan tâm triển khai, qua đó đã hình thành các vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tập trung theo hướng hàng hóa”.

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới.Ở nước ta, không chỉ Hải Phòng mà Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình,...cũng đang có một diện tích đầm rươi rộng lớn, hoàn toàn có thể kết hợp sản xuất lúa hữu cơ. Việc kết hợp giữa canh tác hữu cơ và công tác quy hoạch, bảo vệ môi trường đồng thời khai thác ngư lợi tự nhiên đang là vấn đề cấp bách, thể hiện tính bền vững lâu dài. Để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bên cạnh việc định hướng, quy hoạch cần có các cơ chế chính sách khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, nhân rộng và phát triển sản xuất lúa hữu cơ trong tương lai.