Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, các chuyên đề giám sát được lựa chọn là các vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Đồng thời, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất...
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các đồng chí thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề (tại phiên họp tháng 4/2023).
Các đại biểu dự phiên họp sáng 27/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lựa chọn của thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát.
Cụ thể, Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia;
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Cũng tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông tin, giải trình thêm về một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, chưa được lựa chọn.
Chẳng hạn như các đề xuất liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tổ chức tín dụng...
Kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt
Đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với nhiều đổi mới, cải tiến.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường với việc xây dựng và ban hành hơn 23 văn bản quan trọng trong hoạt động giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới.
“Các vấn đề chất vấn được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời giải quyết những bất cập mà cử tri và nhân dân quan tâm đặc biệt, chú trọng hoạt động giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của Thủ tướng Chính phủ”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Cũng theo ông Bùi Văn Cường, hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Hoạt động “giám sát lại” trong năm 2023 được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện một cách thực chất, trách nhiệm, hiệu quả, được thảo luận kỹ.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả.
“Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến thực chất và tích cực trong hoạt động này”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay.
Tăng cường hoạt động giám sát các lĩnh vực cử tri, nhân dân quan tâm
Bên cạnh đó, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và cử tri với Đảng và Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định định kỳ hằng tháng xem xét, thảo luận báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân tại phiên họp. Ông Cường cho biết, đây là điểm mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện.
Cùng với những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: nội dung giám sát có thời điểm chưa hiệu quả, tính phản biện chưa cao, hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do các cơ quan gửi báo cáo chậm...