Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đánh giá công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.
Hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh trình bày tham luận tại Hội nghị. |
Đề xuất một số kiến nghị đối với hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2023, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy kết quả công tác giám sát năm 2022, tăng cường hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực mà dư luận xã hội, cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.
Thông qua hoạt động giám sát tiếp tục phát hiện, chấn chỉnh, có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm hoạt động quản lý nhà nước và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực được giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được giám sát nói riêng.
Cũng theo ông Trần Văn Minh, trong quá trình xây dựng kế hoạch giám sát, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cần khảo sát kỹ và lựa chọn nội dung giám sát có trọng tâm trọng điểm, trong đó, cần đi sâu vào một số đối tượng cụ thể đối với một lĩnh vực hoặc một nhóm lĩnh vực để tối ưu hóa kết quả giám sát, tránh dàn trải.
Bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả trong triển khai hoạt động giám sát
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, trong đó, đã xác định rõ việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và Chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiến nghị tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại Hội nghị. |
Đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn; chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với với các vấn đề tồn tại, hạn chế; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát.
Đồng quan điểm với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, nhân dân quan tâm; đồng thời, cần xác định rõ trọng tâm trong từng nội dung giám sát.
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ trì giám sát cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát.
Cần có tiêu chí rõ ràng, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan
Đánh giá kết quả triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương…
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị. |
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng thời gian tới phải xác định tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, “mũi nhọn” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Việc xây dựng chương trình giám sát cần bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề như: hoạt động của bộ máy nhà nước; việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách; hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị xem xét có chế tài xử lý trong trường hợp cơ quan chức năng chậm hoặc không giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu Quốc hội chuyển đến. Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực…
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh:
Các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện. Ngoài ra, đối với mỗi chuyên đề giám sát cần nghiên cứu các nội dung giám sát trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn:
Cần tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quang cảnh Hội nghị. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh:
Cần nghiên cứu phân công các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương; đồng thời, tăng cường trách nhiệm trong tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của các cơ quan này trên địa bàn phụ trách.