Quảng Nam tập trung cơ cấu lại nền kinh tế

5 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam có nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế; từ một tỉnh nghèo, thuần nông, trở thành một trong những địa phương có bước phát triển mạnh ở khu vực miền trung. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, Quảng Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Năm 1997, khi mới tái lập, Quảng Nam là một tỉnh thuần nông, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Khi nhắc đến Quảng Nam, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hạ tầng chậm phát triển, đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhưng đến nay, Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền trung. Một trung tâm công nghiệp ô-tô lớn nhất cả nước đang được định hình, tiềm năng du lịch được khai thác tốt. Từ chỗ phải nhận trợ cấp ngân sách thường xuyên, nay trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách điều tiết về Trung ương.

Ðặc biệt, đại dịch Covid-19 và thiên tai đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng nhờ triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nên Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá ấn tượng trong phát triển. Ðặc biệt, tỉnh tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022, với chủ đề "Quảng Nam-Ðiểm đến du lịch xanh". Qua đó, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu du lịch đạt hơn 8.633 tỷ đồng (tăng 32,4% so với năm 2021).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt hơn 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,2% (vượt 3,7% so với chỉ tiêu HÐND tỉnh giao); đứng vị trí thứ 11/63 so với cả nước, thứ 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt hơn 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 11,2% (vượt 3,7% so với chỉ tiêu HÐND tỉnh giao); đứng vị trí thứ 11/63 so với cả nước, thứ 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh

Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) năm 2022 hơn 116.374 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, khu vực thương mại-dịch vụ chiếm 31,7%; GRDP bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng, tăng 12,6%. Ðáng nói, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt hơn 33.338 tỷ đồng, vượt 35% dự toán (tăng hơn 40% so với năm 2021).

Ðể đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị.

Theo ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh: Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ; xây dựng vùng đông nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị-trung tâm dịch vụ, du lịch-công nghiệp sạch-nông nghiệp công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.

Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ; xây dựng vùng đông nam của tỉnh trở thành chuỗi đô thị-trung tâm dịch vụ, du lịch-công nghiệp sạch-nông nghiệp công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp trở thành động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xúc tiến, triển khai các nhóm dự án ngành công nghiệp; mở rộng Khu phức hợp ô-tô Chu Lai-Trường Hải; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp. Cùng với việc triển khai hệ thống phần mềm du lịch thông minh, tập trung phát triển những ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư nâng cấp khai thác sân bay Chu Lai…

Cùng với khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt, Quảng Nam tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

"Quảng Nam sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung đối với các cơ chế, quy định, quy trình không hợp lý, chồng chéo; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án vi phạm tiến độ cam kết, không thực hiện theo quy định", Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết.