Tối 3/6, tại Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội), Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã tổ chức chương trình nghệ thuật có chủ đề “Xông trầm khói tỏa, Đồng Cổ linh thiêng” nhằm quảng bá những giá trị của Hội thề Trung hiếu tại đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ).
Thần Đồng Cổ (về mặt ngữ nghĩa, Đồng Cổ dịch ra là “Trống đồng”) vốn được thờ chính tại núi Khả Lao (làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hoá).
Để tôn vinh sự linh thiêng của ngài, không lâu sau khi nhà Lý định đô tại Thăng Long, triều đình cho xây dựng đền Đồng Cổ tại kinh đô vào năm 1020.
Tương truyền, thần Đồng Cổ báo mộng để Thái tử Lý Phật Mã (tức Vua Lý Thái Tông sau này) dẹp loạn các huynh đệ làm phản định cướp ngôi.
Sau khi dẹp loạn, Vua Lý Thái Tông cho mở Hội thề Trung hiếu vào năm 1028. Các quan lại trong triều phải đến đền Đồng Cổ và thề trước linh vị thần Đồng Cổ: Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần minh tru diệt.
Hình tượng trống đồng trong lịch sử không phải là nhạc cụ đơn thuần mà yếu tố tâm linh, là vật linh thiêng. Người nắm được trống đồng là người có quyền uy lớn, có khả năng chi phối cộng đồng.
Dưới vương triều Lý, việc nâng tầm, tôn thờ thần Đồng Cổ để quy tụ lòng dân, tạo sự đồng thuận giữa triều đình và nhân dân.
Trải qua nhiều thế kỷ, dù có những biến đổi, Hội thề Trung hiếu vẫn được nhân dân duy trì và bảo lưu nhiều giá trị tốt đẹp.
Tôn vinh những giá trị Hội thề trung hiếu
Chữ “trung” trong xã hội ngày nay được gắn với trung với đất nước; chữ “hiếu” là đạo nghĩa mà thời đại nào cũng cần.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh: “Ngày nay, cứ đến mồng 4/4 âm lịch, nhân dân phường Bưởi và quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Trải qua 995 năm tồn tại, Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ thể hiện sự gắn kết cộng đồng, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống người dân địa phương, cũng như quận Tây Hồ”.
Chương trình “Xông trầm khói tỏa, Đồng Cổ linh thiêng” được tổ chức ngay sau khi quận Tây Hồ đón Quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Chương trình đã tái hiện lại sự linh thiêng của thần Đồng Cổ, tái hiện lại những câu chuyện xưa dưới hình thức sân khấu hóa. Thông qua chương trình, công chúng hiểu thêm về ý nghĩa của Hội thề Trung hiếu, những giá trị của đền Đồng Cổ.
Được tổ chức tại sân khấu ngoài trời, chương trình “Xông trầm khói tỏa, Đồng Cổ linh thiêng” đã thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức.