Nhận diện đúng giá trị Hội thề trung hiếu

Hội thề trung hiếu (tại đền Đồng Cổ, phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) vốn là một Hội thề cấp quốc gia, do Vua Lý Thái Tông lập ra, để quần thần thề tận trung, tận hiếu với đất nước. Dù xã hội có nhiều đổi thay, ý nghĩa của Hội thề vẫn còn nguyên giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chia sẻ những ý kiến đóng góp về bảo tồn, phát huy giá trị Hội thề trung hiếu.
Các đại biểu chia sẻ những ý kiến đóng góp về bảo tồn, phát huy giá trị Hội thề trung hiếu.

Ngày 15/3, tại Di tích đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ”.

Đền Đồng Cổ được dựng khi nhà Lý định đô tại Thăng Long không lâu, thờ thần Đồng Cổ, tức thần Trống đồng.

Tương truyền, thần Trống đồng là người đã hai lần báo mộng cho Vua Lê Thái Tông để đánh thắng quân Chiêm Thành và dẹp loạn tiếm ngôi của các Hoàng tử sau khi Vua Lý Thái Tổ băng hà.

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều đại Lý đã ban chiếu tổ chức Hội thề trung hiếu. Hằng năm, trăm quan đến đền Đồng Cổ, quỳ trước thần Đồng Cổ và đọc lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thần minh tru diệt”.

Đến đời Trần, Hội thề vẫn được giữ là Hội thề do triều đình tổ chức, nhưng nội dung thề có thay đổi. Các quan thề rằng: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, Thần minh giết chết”. Sau này, Hội thề được dân gian hóa, do nhân dân địa phương tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm.

Sau gần 1.000 năm lịch sử, dù xã hội có nhiều thay đổi, song, Hội thề vẫn mang tính thời đại, có ý nghĩa giáo dục cao, nhất là trong thời Trần, khi lễ hội bổ sung thêm lời thề “làm quan trong sạch”.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học khẳng định, Hội thề Đồng Cổ là một trong những Hội thề hiếm có của nước ta (không phải lễ hội), có lai lịch rõ ràng, và là một Hội thề cấp quốc gia, do đích thân nhà vua chủ trì. Hội thề là một ngày lễ lớn ở kinh thành xưa kia. Đặc biệt, muốn hiểu ý nghĩa của Hội thề, cần phải hiểu sâu hơn về ý nghĩa trống đồng.

Trong thời đại Đông Sơn, trống đồng không phải là một nhạc cụ. Những hình tượng trên trống đồng thể hiện quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ. Người đúc trống đồng là thủ lĩnh tối cao. Vua Lý Thái Tông đã sử dụng một cách khéo léo giữa yếu tố tâm linh với việc củng cố vương quyền, củng cố sự đồng thuận để xây dựng đất nước. Sau gần 1.000 năm lịch sử, dù xã hội có nhiều thay đổi, song, Hội thề vẫn mang tính thời đại, có ý nghĩa giáo dục cao, nhất là trong thời Trần, khi lễ hội bổ sung thêm lời thề “làm quan trong sạch”.

Với những giá trị độc đáo trên, các đại biểu thống nhất đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ khẩn trương xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Hội thề trung hiếu vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Song song với đó, tìm giải pháp để lan tỏa những giá trị “trung hiếu”, giá trị “làm quan trong sạch” của Hội thề trong xã hội đương đại. Cùng với đó, tiếp tục tu bổ, tôn tạo Di tích đền Đồng Cổ cho tương xứng.