Thực tế cho thấy, hầu hết các phương tiện này đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều thiết bị an toàn kỹ thuật không còn hoạt động ổn định hoặc không có. Kết cấu xe bị thay đổi, cơi nới, gắn thêm thùng hàng phía sau. Đáng lo hơn, người điều khiển phương tiện đôi khi không nắm kỹ thuật điều khiển, chạy tốc độ cao, lạng lách, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người trên đường. Có không ít vụ tai nạn gây thương tích nghiêm trọng xảy ra là do các hàng hóa, đồ vật cồng kềnh mà người điều khiển phương tiện bất chấp sự an toàn đã chuyên chở dẫn đến va quẹt.
Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện hầu như không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ xe, không đăng ký xe. Nhiều xe được “độ”, “lên đời” dẫn tới nhiều chủ phương tiện thậm chí không thực hiện đóng phạt mà chấp nhận bỏ xe.
Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 30 nghìn xe ba, bốn bánh thô sơ, tự chế không động cơ (xích-lô, xe ba gác đạp, xe đẩy tay…) và có động cơ. Thành phố cũng có khoảng 3.000 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký. Những phương tiện này phần lớn là xe có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc tự chế, hoạt động nhiều ở các địa bàn vùng ven, giáp ranh với các tỉnh và thông thường không có đăng ký.
Đối tượng sử dụng phần lớn là lao động nghèo, người có thu nhập thấp, chở thuê để mưu sinh. Với đặc thù chở hàng cồng kềnh, quá tải (như vật liệu xây dựng, thu gom rác sinh hoạt…) cho nên phương tiện này được xem là dễ gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013-2019, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý hơn 17.400 phương tiện, trong đó tịch thu 3.528 xe. Trong năm 2021, đã kiểm tra và xử ký 605 trường hợp xe cơ giới ba, bốn bánh, 721 xe thô sơ vi phạm. Còn theo Sở Giao thông vận tải thành phố, hiện tại số lượng xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông trong khu vực nội đô đã giảm nhiều nhưng loại xe đẩy tay để buôn bán hàng rong vẫn còn hoạt động ở nhiều nơi.
Thực tế cũng cho thấy, đây là phương tiện mưu sinh của không ít người dân cho nên việc thuyết phục bà con chuyển đổi phương tiện là vấn đề khá nan giải. Ngoài ra, các chủ phương tiện thường né tránh lực lượng chức năng khiến cho việc kiểm tra, nhắc nhở gặp nhiều trở ngại…
Theo cảnh sát giao thông và các sở, ngành chức năng thành phố, đối với những chủ phương tiện đã nhận hỗ trợ trước đây theo Công văn số 319 ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thay thế các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, thì chính quyền địa phương cần rà soát lại, tuyên truyền và thuyết phục chủ phương tiện thực tạm ngừng hoạt động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê đối tượng, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn chuyển đổi ngành nghề, học nghề, mua sắm sinh kế. Cơ quan chức năng thuyết phục người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe đúng theo quy định; hướng dẫn sát hạch giấy phép lái xe để đủ điều kiện điều khiển phương tiện lưu thông.
Sở Công thương thành phố cần chủ động phối hợp các doanh nghiệp giới thiệu các loại xe nhỏ, phù hợp đặc thù đô thị sản xuất trong nước, có kích thước phù hợp, giá thành hợp lý, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật cùng với chính sách tín dụng hợp lý để người có nhu cầu chuyển đổi phương tiện dễ dàng tiếp cận, mạnh dạn thay thế phương tiện cũ kỹ, hết niên hạn sử dụng… Có như vậy việc quản lý, kiểm soát phương tiện xe thô sơ; xe ba, bốn bánh tự chế mới hiệu quả, căn cơ, thực chất…