Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam hiện sở hữu 15 di sản văn hóa phi vật thể, chín di sản văn hóa vật thể và thiên nhiên, 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Việt Nam cũng tiếp tục xúc tiến, hoàn thiện hồ sơ nhiều di sản để trình UNESCO trong thời gian tới. Năm di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ở miền trung-Tây Nguyên gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022). Ngoài ra, còn một số di sản đồng sở hữu với các vùng khác, như Ca trù (2009); Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015); Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016)…
Sau khi được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn và phát huy được các địa phương quan tâm hơn, ban hành các đề án về công tác bảo tồn, phát huy di sản, huy động nguồn lực cho bảo tồn, phục dựng di sản, tích cực quảng bá, phổ biến, trao truyền... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ở miền trung-Tây Nguyên được bảo vệ, phục dựng tốt, trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Đau đáu nỗi niềm về cách thức gìn giữ, trao truyền nghệ thuật dân gian nói chung, nghệ thuật Bài Chòi nói riêng, Nghệ nhân nhân dân Trịnh Công Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền trung-Tây Nguyên nói chung, nghệ thuật Bài Chòi nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và xu hướng toàn cầu hóa. Hầu hết các địa phương sở hữu di sản vẫn lúng túng tìm cách hóa giải những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vì thế, các địa phương muốn bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa phi vật thể, cần mời các nhà nghiên cứu khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ… tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết về Bài Chòi cho đội ngũ kế thừa; mở nhiều lớp học cho các cấp, đưa văn hóa truyền thống vào học đường, tổ chức biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân để Bài Chòi dễ đi sâu vào lòng người và có tính đồng điệu cao.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc trong mỗi cộng đồng dân cư nhận thức một cách sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng cơ chế hỗ trợ cho cộng đồng, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, kết hợp với đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận. Theo tiến sĩ Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, thì nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển bền vững chưa thật sự được các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân nhận thức đúng đắn. Với các di sản văn hóa phi vật thể, việc quan tâm các nghệ nhân, những người nắm giữ thực hành di sản và trao truyền chưa bảo đảm để phát huy năng lực của họ trong bảo tồn và lan truyền giá trị di sản. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể còn hạn chế. Những bất cập về nhận thức trong quản lý cũng dẫn đến tác động làm sai lệch giá trị di sản. Nguồn nhân lực cho quản lý di sản rất thiếu, năng lực hạn chế, chưa có điều kiện đào tạo và tập huấn thường xuyên, trong khi nguồn tài chính hỗ trợ cộng đồng phục hồi, bảo tồn và trao truyền di sản phi vật thể cũng gặp nhiều khó khăn.
Cho đến nay, các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh đã khẳng định giá trị sâu sắc, bền vững, góp phần nâng cao uy tín, vị thế, nhận thức của quốc tế và cộng đồng dân cư địa phương nơi có di sản thực hành bảo vệ di sản văn hóa của mình. Việc ghi danh cũng góp phần tăng cường các nguồn lực quốc tế, từ các chính phủ, các tổ chức, các chương trình, dự án của địa phương trong đầu tư bảo vệ di sản. Mặt khác, di sản được ghi danh cũng tạo nên hiệu ứng hấp dẫn, thu hút khách du lịch, hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch từ di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Di sản được quốc tế công nhận đã tác động tới nhận thức, là nguồn động viên lớn cho cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản.
Với năm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, khu vực miền trung-Tây Nguyên tự hào về những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc; trí tuệ, tâm hồn, sức sáng tạo của các cộng đồng dân cư, các tộc người sinh sống trên dải đất khốc liệt, nghèo khó được kết tinh trong âm nhạc, trong các làn điệu dân ca, dân vũ, trong tinh thần gắn kết cộng đồng bền chặt, góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong đa dạng, giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam, cần được đầu tư tương xứng để phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng, thế giới quan, nhân sinh quan và những giá trị xã hội văn hóa, truyền thống, lịch sử, nghệ thuật, giáo huấn... và trao truyền cho các thế hệ tương lai ■