Phát động triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Ngày 12/12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023, tại ruộng nhà ông Nguyễn Văn Em, ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, diễn ra Lễ phát động triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến dự.
0:00 / 0:00
0:00
Nghi lễ phát động triển khai đề án.
Nghi lễ phát động triển khai đề án.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối cảnh ba chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; đó là phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

Phát động triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ phát động.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo, ...

Các thí điểm thành công tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công-tư hiệu quả; và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, IFC, ADB, IRRI… sẽ là chìa khóa thành công cho Đề án.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cam kết, sẽ đồng hành và hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đồng thời, hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng nhận được kết quả của giảm phát thải từ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT)"; hỗ trợ các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường cacbon tự nguyện để sử dụng nguồn tài chính bền vững tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển và hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Phát động triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham quan triển lãm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đề ra mục tiêu hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ Bến Tre).

Giai đoạn 2024-2025, Đề án tập trung củng cố 180.000ha lúa từ Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha; giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Đồng thời, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.