Ngày 1/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tỉnh Hậu Giang tổ chức họp báo giới thiệu về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Festival được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững gắn với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Tại buổi họp báo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Các hoạt động tại Festival sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp yêu cầu của xu thế quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi họp báo. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, Festival có sự tham gia khoảng 200 đại biểu quốc tế và có phát biểu, tham luận tại các cuộc hội nghị, hội thảo.
Đây là những chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia lúa gạo hàng đầu trong và ngoài nước. “Tỉnh Hậu Giang tin tưởng chắc chắn sẽ giúp ích thông qua những giải pháp, đề xuất cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiến thêm những bước phát triển bền vững”, đồng chí Đồng Văn Thanh nhấn mạnh.
Ngoài lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật quy mô lớn diễn ra vào tối 12/12 được kỳ vọng là điểm nhấn hấp dẫn, Festival còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn khác.
Cụ thể, triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" không chỉ góp phần truyền đi thông điệp Festival lúa gạo mà còn là nơi đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá, trải nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai của lúa gạo Việt Nam.
Đồng thời, con đường lúa gạo thể hiện quá trình trồng lúa Việt Nam từ lúc sơ khai đến thời đại nông nghiệp 4.0. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo (ngang 3m, cao 9m) được làm từ lúa đặc sản, đặc trưng của 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Trong khuôn khổ Festival còn có triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội, sản xuất lúa gạo của các tỉnh, thành phố cả nước; triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; triển lãm "Lúa gạo Việt-Thương hiệu Việt-Tự hào của người Việt"; triển lãm "Lúa gạo quốc tế…
Quang cảnh buổi họp báo. |
Dự kiến, Ban Tổ chức sẽ mời Tổ chức Guiness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Đặc biệt, tại Festival lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, Festival này là một sự kiện ý nghĩa, quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế.
Sự kiện là hoạt động thiết thực, cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu đạt được và được thế giới công nhận, góp phần vào trong sự nghiệp phát triển kinh tế Việt Nam.