Thời cơ mới cho ngành lúa gạo bứt phá

Bài 2: Tận dụng cơ hội xuất khẩu


Lúa gạo là mặt hàng đang mang lại kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu. Hiện nay, một số quốc gia vẫn đang thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo, tạo ra khoảng trống thị trường cho gạo Việt Nam. Tận dụng cơ hội xuất khẩu, mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn hiện nay.

0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,84 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỷ USD.

Giá trong nước và xuất khẩu tăng cao

Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, có thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 638 USD/tấn, kéo theo giá lúa gạo trong nước cũng tăng cao từng ngày. Tại Cà Mau, lần đầu người trồng lúa chứng kiến giá lúa vụ hè thu cao hơn vụ đông xuân.

Bà Phan Thị Mai có hơn 1 ha lúa ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) cho biết: Hàng chục năm gắn bó với nghề nông, chưa bao giờ tôi thấy lúa hè thu lại được thu mua với giá cao như hiện nay, cao hơn vụ đông xuân khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá mua tại ruộng hiện từ 7.500 đồng/kg, nếu thu hoạch lúa kịp vào thời điểm này để bán thì có lời rất khá.

Qua rà soát của ngành công thương tỉnh Cà Mau, giá lúa hiện tại cao hơn so với vụ đông xuân từ 600 đến hơn 1.000 đồng/kg. Trong đó, các loại giống canh tác phổ biến như: ST24, ST25 được thu mua với giá từ 8.200-8.500 đồng/kg; Đài thơm 8 và OM18 giá từ 7.500-8.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.500-2.300 đồng/kg so với giá cùng chủng loại của vụ hè thu năm 2022.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: Giá gạo tăng là cơ hội cho ngành hàng lúa gạo trong nước có bứt phá mới về xuất khẩu gạo, nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Đó cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nông dân Cà Mau nói riêng nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Thời cơ trên một lần nữa cũng tái khẳng định, lúa gạo là ngành hàng chủ lực quan trọng không chỉ với an ninh lương thực địa phương mà còn với an ninh lương thực quốc gia và thế giới.

Tại tỉnh Sóc Trăng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều tăng lượng mua vào, một mặt là để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, mặt khác để có nguồn dự trữ cho các hợp đồng tiếp theo. Trong bảy tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo toàn tỉnh đạt giá trị 236 triệu USD, tăng 12,53% so với cùng kỳ năm 2022. Do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cuối tháng 7/2023 liên tục tăng cao nên các doanh nghiệp liên tục phải điều chỉnh mức giá thu mua lúa, tăng thêm từ 200-600 đồng/kg tùy thời điểm.

Tại Sóc Trăng, giá lúa hiện tại phần lớn đều đạt ngưỡng 7.500 đồng/kg. Theo nhận định của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số nước ngày càng tăng, khả năng giá lúa đến lúc thu hoạch sẽ đạt mức từ 8.500 đồng/kg trở lên.

Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ tháng 8/2023, giá các loại lúa nguyên liệu tại Đồng Tháp đều tăng, đặc biệt đối với các loại lúa chất lượng cao. Cụ thể, theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, lúa IR50404 tại kho giá 9.100-9.300 đồng/kg, lúa OM 5451 giá 9.600-9.800 đồng/kg, Đài thơm 8 giá 9.500-10.100 đồng/kg.

Với mức giá bán như trên, nông dân trồng lúa thu được mức lợi nhuận khá cao. Tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp tăng so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào thị trường châu Á, chiếm hơn 90%; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường khác còn khá nhỏ.

Linh hoạt trước diễn biến thị trường xuất khẩu gạo

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, trả lời về vấn đề sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong tình hình mới hiện nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Trong điều kiện thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ, chính sách của các nước cũng thay đổi liên tục nên tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn. Một số quốc gia đang cấm xuất khẩu gạo đã tạo ra cơ hội, thời cơ cho xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng chúng ta cần hết sức bình tĩnh bởi mọi vấn đề đều phát sinh mặt trái nếu không được quản lý tốt.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ hiện nay là cần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đồng thời không “gây sốc” cho thị trường nội địa hay đẩy giá tiêu dùng trong nước lên cao vì sẽ ảnh hưởng tới một nhóm đối tượng là những người dễ tổn thương. Ba trục vấn đề này hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương đang triển khai thực hiện.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm 2023 chúng ta vẫn còn dư địa. Hiện nay, có một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm trong xuất khẩu lúa gạo là có những tác động ngoài bài toán cung-cầu, đó là đẩy giá, tồn trữ, đặt cọc..., gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lúa gạo.

Tôi mong nhà nông, doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, phải cùng chia sẻ thời cơ và thách thức bởi mua-bán không chỉ là vấn đề được lợi mà phải nghĩ rằng mùa sau chúng ta còn mua-bán với người đó được hay không? Nếu chúng ta ép một người thiệt thì không bao giờ có cơ hội hợp tác được nữa. Chuỗi ngành hàng trong thời gian vừa qua dễ xung đột nằm ở chỗ đó.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Thực tế, tại các địa phương trọng điểm sản xuất lúa, thời điểm hiện nay vừa mang đến cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong chuỗi liên kết sản xuất. Như tại Cà Mau, nắm bắt nhu cầu cao của thị trường và nguồn cung đang thiếu hụt, gần đây, tình hình thu gom lúa tại các vùng trong tỉnh có sự cạnh tranh, đặc biệt là tại những nơi nhà nông chưa ký kết được hợp đồng bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh phân tích: Khi giá lúa tăng, nông dân được lợi nhưng cũng đặt ra thách thức. Chẳng hạn, khi giá tăng, doanh nghiệp (đã ký hợp đồng bán gạo trước đó) phải chịu lỗ khi mua với giá cao nhưng xuất đi với giá thấp; một số doanh nghiệp rất khó thu mua (tranh mua nguồn nguyên liệu do thương lái đặt cọc trước); các hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/tổ hợp tác và người dân có nguy cơ bị phá vỡ do giá lúa tăng đột biến...

“Tại những vùng chuyên canh đã ký kết hợp đồng bao tiêu, giá tăng cũng là cơ hội để kiểm chứng độ tin cậy, độ trung thực trong các giao kèo giữa nhà nông với đơn vị thu mua”, đồng chí Nguyễn Chí Thiện chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ngành công thương Cà Mau khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, bảo đảm hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Về hoạt động xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Võ Văn Chiêu cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín và Công ty TNHH Tiến Phát Nông. Để vừa phục vụ tốt nhiệm vụ xuất khẩu gạo, vừa thực hiện giải pháp bình ổn giá trong nước, Sở đã yêu cầu hai đơn vị này thông tin tình hình dự trữ lúa gạo theo quy định, có giải pháp bảo đảm cung ứng ra thị trường gạo dự trữ lưu thông khi giá gạo có biến động bất thường.

Theo Quyết định số 583/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5/2023 Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 8%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%. Tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%.