Cần nghiêm trị hành vi mang thai hộ trái phép

Nhiều năm gần đây, các đường dây mang thai hộ trái phép bị phanh phui, không ít người rơi vào cảnh khốn cùng vì trót vướng vào nghiệp “lừa đảo”, “buôn người”. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận lớn, hành vi mang thai hộ trái phép vẫn bị nhiều đối tượng thực hiện dưới hình thức tinh vi, khó kiểm soát.
0:00 / 0:00
0:00

Chị Nguyễn Thu T. (32 tuổi, ngụ Hà Nội) đồng ý tự bỏ chi phí để vào Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dịch vụ mang thai hộ. Nguyên nhân khiến chị T. đồng ý vì “hiện bản thân đang rất khó khăn, phải đến bước đường cùng tôi mới phải làm như vậy”. Ðể thực hiện dịch vụ này, chị T. cho biết, bản thân đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, phiếu kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh,… Ðây là giấy tờ cơ bản cần có để đặt một chân vào “thế giới” này. “Tôi nghĩ mang thai hộ giúp nhiều bên được lợi. Gia đình hiếm muộn có thể có con, môi giới có lương, mình cũng được bồi dưỡng. Một lần sinh nở mà cứu vớt được bao nhiêu người khốn khổ, sai trái ở đâu”, chị T. cho hay.

Chị cho biết thêm, trước đây, chị còn nhận được nhiều lời mời sang một số quốc gia khác để tham gia dịch vụ này với mức giá từ 300-450 triệu đồng nếu thành công. Còn với anh Lê Công T. (30 tuổi, ngụ tại Ðồng Nai) với mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, đã lên mạng tìm hiểu về dịch vụ mang thai hộ. Thông qua các hội nhóm kín, anh đã đăng tải nhu cầu lên một số hội nhóm để tìm môi giới liên hệ và hướng dẫn từng bước, mức phí cho nhu cầu của mình. Gia đình hiếm muộn hoàn toàn có thể yêu cầu người mẹ thứ hai tự dưỡng thai hoặc sống chung để tiện bề chăm sóc thai nhi. Trong trường hợp cậy nhờ môi giới, những người đồng ý mang thai hộ sẽ được sống trong một căn hộ riêng.

Cách đây hơn bảy năm, ngày 22/1/2016, Việt Nam chào đón Ðinh Quỳnh A…, em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Sự chào đời của em là niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn 18 năm vất vả của vợ chồng anh Ðinh Duy Hào và là tia hy vọng đối với hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn khác trên cả nước. Trước đó, năm 2014, Việt Nam thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), bổ sung quy định về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo Ðiều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện. Trước hết, họ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng. Tuy vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng các quy định này để hình thành các đường dây mua bán, trao đổi bất hợp pháp với danh nghĩa “nhân đạo”, “giúp người”.

Trung bình một ngày, mỗi hội nhóm trên Facebook đăng tải hơn 20 nội dung tuyển “sản phụ”, người hiến trứng, hiến tinh trùng với chế độ trợ cấp hấp dẫn. Dù đã có các điều luật quy định về đối tượng mang thai, thủ tục pháp lý chặt chẽ; nhiều vụ việc mang thai hộ đã bị khởi tố hình sự nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Thạc sĩ Võ Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Ðiều dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Với những người mẹ mang trong mình bào thai của người khác, sinh và dưỡng là quá trình hoàn toàn tách biệt. Kiểm soát và quản lý mang thai hộ cần chú ý đến khâu chăm sóc sau sinh cũng như các thủ tục hành chính của trẻ”.

Theo ghi nhận từ các vụ án trước đó, các đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ thường móc nối với nhân viên y tế để thực hiện đường dây khép kín. Vì thế, trong cuộc chiến về vấn đề con người và đạo đức, sự hỗ trợ của giới y học là một trong những yếu tố nền tảng. Công tác đánh giá, rà soát, quản lý mang thai hộ trong phạm vi cơ sở y tế phải được quan tâm đúng mức và kịp thời; đồng thời, củng cố năng lực chuyên môn, y đức của người thầy thuốc để hạn chế hết mức có thể hành vi phi pháp.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh; đồng thời, nghiêm trị các đối tượng thực hiện dịch vụ này. Ðể môi giới tiếp tục lộng hành trên mạng xã hội là hành động tiếp tay cho nạn buôn người. Vì thế, ngăn chặn tình trạng này cũng sẽ góp phần hạn chế các giao dịch trên không gian mạng, điều vốn rất dễ thực hiện trong bối cảnh mạng xã hội phổ biến như hiện nay. Việc xây dựng quy chế kiểm soát thông tin là một giải pháp cần được thực hiện quyết liệt để tìm lời giải cho bài toán khó này.

Những giọt nước mắt rơi khi tận tay ôm sinh linh máu mủ vào lòng sau những ngày tháng cầu khẩn, có lẽ là niềm hạnh phúc không có gì sánh nổi của những ông bố, bà mẹ cả đời mong được có con. Hạnh phúc ấy sẽ chẳng còn xa, nếu luật mang thai hộ giải quyết được những khúc mắc, chồng chéo trong quy định và kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc để người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ chân chính được nương nhờ.