Nông nghiệp đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị ở Đắk Nông

Nhiều Hợp tác xã nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, ít chất thải và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình sản xuất đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị của Hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ Tân Phú Nông.
Mô hình sản xuất đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị của Hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ Tân Phú Nông.

Đây cũng là xu hướng chung cho sản xuất nông nghiệp trước thực tế biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt, yêu cầu về sản phẩm an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người.

Với hơn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Tân Phú Nông (xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa) đã định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo mô hình nêu trên. Theo đó, tầng cao nhất được trồng cây gỗ thân lớn để làm trụ cho hồ tiêu; tầng trung là lớp hồ tiêu, cà-phê; tầng thấp nhất bao gồm lớp thảm cỏ, thực vật.

Mỗi tầng sinh thái đều có tác dụng riêng giúp cho quá trình sinh trưởng cây trồng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu, cà-phê đạt hiệu quả cao hơn so với cách làm truyền thống, đáp ứng yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn đối với đầu ra sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Tân Phú Nông, Trần Hữu Trung cho biết, mô hình canh tác đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị đã được một số xã viên áp dụng từ nhiều năm trước với tên gọi “đa cây, đa con”, nhưng do thời điểm đó chưa có những yêu cầu, quy chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Mặt khác, việc canh tác theo mô hình này sản lượng đạt thấp, trong khi đó giá sản phẩm bán ra thị trường chỉ ngang bằng với canh tác truyền thống cho nên người sản xuất cũng chưa mạnh dạn áp dụng. Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn gắn với bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe con người, giá bán ở mức cao, nhất là thị trường xuất khẩu cho nên người dân đã mạnh dạn chuyển sang mô hình canh tác xanh, hữu cơ, thân thiện môi trường.

Cũng theo ông Trung, với mô hình canh tác này, hồ tiêu, cà-phê năng suất bằng hoặc thấp hơn so với trồng chuyên canh nhưng tổng giá trị kinh tế 2 loại cây cộng lại nhiều hơn, ổn định hơn. Ngoài giá trị kinh tế, nông dân còn được lợi ích về sức khỏe.

Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) hiện có hơn 30 ha cà-phê được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng hằng năm đều đạt cao, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Theo Giám đốc Lê Đình Hùng, chỉ riêng việc vận động xã viên để lại cỏ trong vườn cây phải mất một thời gian khá dài.

Bởi lâu nay, tập quán canh tác của người dân đã trở thành thói quen, thường có xu hướng dọn sạch sẽ vườn cây vì cho rằng cỏ sẽ ăn hết phân, thuốc bón cho cây. Thế nhưng, khi được tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, người dân đã hiểu được tầm quan trọng của cỏ, giúp chống xói mòn, tạo môi trường để các vi sinh vật khác có lợi cho đất sinh sôi, nảy nở.

Trồng xen canh các loại cây khác sẽ giúp hồ tiêu, cà-phê cùng nhau phát triển. Các cây lớn thì che bóng, giữ nước; các cây cỏ nhỏ bên dưới thì duy trì thảm thực vật, tạo môi trường có lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.

Theo số liệu thống kê, Đắk Nông có khoảng 140.000 ha cà-phê, với khoảng 150.000 nông hộ. Tổng diện tích cà-phê của Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước. Đắk Nông còn là vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm, với khoảng 35.000 ha.

Việc canh tác nông nghiệp theo mô hình đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị giúp giảm dần phát thải và đang là xu hướng chung, hiện các nông hộ và các hợp tác xã tại địa phương đang áp dụng và nhân rộng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Tuấn Anh

Bên cạnh sản phẩm chính từ cây chủ lực là cây cà-phê và hồ tiêu, người dân còn có thu từ cây ăn trái, cây mắc-ca, cây đa mục đích khác trồng xen. Mô hình sản xuất nông nghiệp đa tầng, đa sản phẩm, đa giá trị đang mang lại những lợi ích về kinh tế, thân thiện với môi trường, từng bước đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đã giúp người nông dân dần thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức sản xuất của mình.