Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, có độ cao 800m so với mặt nước biển, cách thành phố Nha Trang chừng 100 cây số về phía tây nam. Nơi đây có những phiến đá kêu; đồng bào Raglai gọi là goong lu, có nghĩa là đá kêu như những chiếc cồng.
Anh Mấu Quốc Tiến, người chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian Raglai kể lại truyền thuyết về một chàng trai Raglai dũng cảm, với vũ khí là những phiến đá phát ra tiếng kêu huyền bí, đã dám chiến đấu, đánh đuổi tà ma, đem lại bình an cho dân làng. Người dân nghĩ loại đá này là do ông trời ban cho, cho nên tôn kính, chăm chút giữ gìn như một bảo vật.
Trong các lễ hội quan trọng của người Raglai như lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới hay những dịp hội vui của buôn làng, bao giờ đàn đá cũng được đưa ra diễn tấu đầu tiên. Chính vì vậy, đàn đá được coi là hồn thiêng của người Raglai.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới khẳng định đàn đá là một trong những loại nhạc cụ thuộc loại cổ sơ nhất của loài người. Một số tộc người châu Phi, Ấn Độ, Trung Hoa cổ… đã phát hiện những tảng đá phát ra âm thanh, nhưng đó chỉ là những chiếc khánh có âm vực đơn, không đủ khả năng diễn tấu như đàn đá Khánh Sơn, Việt Nam.
Bộ đàn đá được coi là tiêu biểu của Việt Nam gồm 12 thanh đá kêu có kích thước, hình khối và âm thanh khác nhau, được gia đình ông Bo Bo Ren cất giữ tại núi Dốc Gạo, thuộc địa phận xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ông Bo Bo Ren kể, gõ vào thanh đá thì nghe âm thanh vang lên, trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng. Cùng lúc gõ nhiều thanh đá thì âm thanh đan xen, nghe “như cãi nhau, rất vui tai”.
Chiến tranh, bom đạn cày nát núi rừng, nhưng gia đình ông Bo Bo Ren quyết tâm giữ cho bằng được bộ đàn đá quý báu ấy. Các nhà khảo cổ học kết luận: Đây là bộ đàn đá của tộc người Raglai, có niên đại cách nay 2000-5000 năm. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được về đàn đá, năm 1979, Việt Nam chính thức công bố với thế giới về việc phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.
Cùng với việc phát hiện các bộ đàn đá, qua khai quật và khảo sát tại núi Dốc Gạo, các nhà nghiên cứu còn tìm ra nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây, với nhiều khối đá và mảnh vụn thuộc loại đá phun trào Rhyolit Porphyre. Cũng theo các nhà khoa học, Rhyolit Porphyre là chất liệu làm đàn đá tốt nhất.
Nghe đàn đá, cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền Việt Nam lỗi lạc, từng xúc động nói rằng, dường như những thanh đá tưởng như vô tri, vô giác cũng có khi rơi lệ hay mỉm cười.
Trong nghiên cứu của mình, ông khẳng định chưa có quốc gia nào trên thế giới có được hai loại nhạc khí thời tiền sử, có ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, triết lý sâu xa như trống đồng và đàn đá Việt Nam. Và, ông ca ngợi đàn đá có biểu hiện tâm tư hệt như con người.
Đến nay, trong hành trình hơn 30 năm gắn bó cùng đàn đá của mình, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, đã chế tác hơn 150 bộ đàn đá. Cùng với chế tác, sản xuất đàn đá theo đơn đặt hàng, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông còn đào tạo, hướng dẫn con em người dân tộc Raglai ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sử dụng đàn đá với giáo trình bài bản, khoa học.
Ông mong muốn có nhiều bạn trẻ Raglai hiểu biết; biểu diễn được đàn đá. Vì vậy, ông dày công biên soạn nhiều giáo trình, bài tập với những tiết tấu, âm vực, giai điệu hiện đại cho đàn đá. Hiện ông cùng một số nghệ sĩ khác đứng lớp đào tạo cho nhiều con em người Raglai địa phương biết chơi đàn đá.
Năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn tiến hành phục dựng ba hệ thống đàn đá nước nguyên bản của người Raglai; bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở Dốc Gạo (nay là thị trấn Tô Hạp); xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Mới đây, huyện đặt hàng nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông chế tác thêm 10 bộ đàn đá để biểu diễn.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Khánh Hòa kể lại, năm 1979, sau khi công bố với thế giới về hai bộ đàn đá Khánh Sơn, ngày 16/3/1979, ông Mai Dương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh thời bấy giờ đã trao hai bộ đàn đá cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn.
Hai bộ đàn đá này có ký hiệu A và B, gồm 12 thanh, khi ráp lại thì tương thích thang âm của một bộ đàn đá lớn 12 thanh. Đây là trường hợp đầu tiên, duy nhất trên toàn quốc. Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đem hai bộ đàn đá Khánh Sơn đi biểu diễn, giới thiệu ở trong nước và nước ngoài, tạo được sự chú ý của giới nghiên cứu về đàn đá Việt Nam.
Mới đây, ngày 27/3/2023, tại trụ sở Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hai bộ đàn đá Khánh Sơn nói trên đã được bàn giao lại cho tỉnh Khánh Hòa.
Vậy là “châu về hợp phố”. Sau 44 năm xa quê, hai bộ đàn đá Khánh Sơn đã trở về với vùng đất mình sinh ra. Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiện, hiện tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đàn đá Khánh Sơn là bảo vật quốc gia.