Tìm hướng phát triển ngành cơ khí-tự động hóa

Trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành cơ khí-tự động hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trong cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng... nhằm đáp ứng yêu cầu theo kịp xu hướng thế giới, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư đang vận hành máy chấn tôn để sản xuất máng cáp điện tại nhà máy của Công ty TNHH Thiết bị điện Phát Tiến (Quận 12).
Kỹ sư đang vận hành máy chấn tôn để sản xuất máng cáp điện tại nhà máy của Công ty TNHH Thiết bị điện Phát Tiến (Quận 12).

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS, TS Trần Anh Sơn (Phó Trưởng Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Các ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% GRDP của thành phố và tạo ra nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Trong đó, ngành cơ khí-tự động hóa là ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và có thể tham gia không giới hạn với phần lớn các ngành công nghiệp. Hiện nay, ngành cơ khí-tự động hóa đang cần giải quyết nhiều vấn đề, bài toán đặt ra như: Sản phẩm chiến lược là gì; trình độ sản xuất công nghiệp, trình độ công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng; quỹ đất cho phát triển công nghiệp…

Cùng với đó, cách thức tổ chức sản xuất cũng đã và đang thay đổi khá mạnh mẽ nhờ xu thế ứng dụng công nghệ mới: Ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; sự phát triển của tự động hóa; công nghệ in 3D. Phát triển bền vững là tiêu chí bắt buộc để sản phẩm thuận lợi trong việc thâm nhập các thị trường khó tính. Vì vậy, định hướng phát triển ngành cơ khí-tự động hóa ở thành phố (giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) phải giảm phát thải CO2, góp phần chống biến đổi khí hậu; sản xuất và tiêu dùng không tạo ra chất thải thông qua tái sử dụng, tái chế...

Theo TS Bùi Thanh Luân (Hội Tự động hóa thành phố), ngành cơ khí-tự động hóa của thành phố vẫn đang phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng rất chậm. Các doanh nghiệp còn làm việc riêng lẻ, manh mún, chưa có doanh nghiệp "đầu tàu" đủ sức đảm nhận các dự án lớn để kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đi theo. Bên cạnh đó, các chính sách, cơ chế của Nhà nước cũng chưa thật sự cụ thể, ít đi vào thực tế, chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Cùng với đó, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc chưa nhận được hỗ trợ thật sự của các hình thức ưu đãi khác. Hơn nữa, chính sách thuế nhập khẩu vẫn còn nhiều bất cập với ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước khi ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị mới (thuế suất bằng 0%) nhưng lại đánh thuế cao đối với linh kiện nhập khẩu dùng để sản xuất máy móc, thiết bị hoàn chỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, còn các doanh nghiệp tư nhân thì chưa đủ tiềm lực và uy tín để có thể nhận được các dự án, công trình lớn.

Từ thực trạng đó, TS Bùi Thanh Luân cho rằng: Ngành cơ khí-tự động hóa ở thành phố cần nhanh chóng ứng dụng một số xu hướng quan trọng như: Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML); robot quy trình tự động (RPA); tự động hóa thông minh (IA); siêu tự động hóa; tự động hóa dựa trên đám mây.

Trong đó, IA và ML đang ngày càng tiến bộ và được tích hợp vào các hệ thống tự động hóa để cải thiện hiệu suất và độ chính xác, giúp các dây chuyền sản xuất trở nên thông minh và linh hoạt hơn; làm ra sản phẩm nhanh và có chất lượng cao hơn, giảm giá thành và tiêu thụ năng lượng; giảm mạnh lượng sản phẩm lỗi; công nghệ xanh, sạch hơn. Theo PGS, TS Trần Anh Sơn, mỗi doanh nghiệp cần tự nhận dạng xu hướng công nghệ, đối chiếu với sản phẩm và công nghệ hiện có để định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Các doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm và công nghệ trong một số lĩnh vực khuôn mẫu phục vụ sản suất, công nghiệp hỗ trợ; đóng gói vi mạch; cơ khí y sinh; cơ khí-tự động hóa phục vụ nông nghiệp...

Với nhiều kinh nghiệm thực tiễn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện thành phố Ðoàn Võ Khang Duy cho rằng: Cần xác định nhóm sản phẩm chủ lực bởi đây là yêu cầu đóng vai trò quan trọng hàng đầu, mang tính nền tảng cho hoạt động chiến lược thúc đẩy phát triển ngành cơ khí-tự động hóa. Chính phủ và bộ, ngành, chính quyền địa phương nên thành lập hoặc chỉ định một tổ chức (gồm các nhà quản lý, kinh tế, chuyên gia, doanh nhân, nhà tư vấn...) vận hành công tác xác định nhóm sản phẩm chủ lực như một dự án hoàn chỉnh. Cần có tiêu chí đánh giá, chọn lựa sản phẩm chủ lực ngắn hạn và dài hạn. Chú trọng hoạt động nghiên cứu, kết nối thị trường, xúc tiến, ghi nhận, vinh danh, khen thưởng các thương hiệu và sản phẩm tốt.

Song song đó, đẩy mạnh hoạt động tối ưu hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng, ưu đãi đầu tư... Thành phố sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp đặc thù, vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có tiêu chí thật cụ thể, chi tiết, rõ ràng để nhận dạng, phê duyệt hỗ trợ về phí hạ tầng, thuế đất, cơ sở lưu trú công nhân. Các cụm, khu công nghiệp này phải chú trọng yếu tố tương đồng về chuỗi cung ứng, quy hoạch đầy đủ các dịch vụ liên quan (thực phẩm, y tế, giáo dục, đào tạo, môi trường…), đồng thời xây dựng các liên minh cụ thể để liên kết nguồn lực, chuỗi cung ứng, công nghệ, nghiên cứu và phát triển...■