Tháo gỡ khó khăn khi mở lại dịch vụ karaoke

Việc siết chặt các quy định, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy sau sự cố hỏa hoạn tại nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã nhận được sự đồng thuận của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng trao đổi với quản lý hệ thống karaoke ICool về phòng cháy, chữa cháy.
Lực lượng chức năng trao đổi với quản lý hệ thống karaoke ICool về phòng cháy, chữa cháy.

Tuy nhiên, khi các quy chuẩn thay đổi liên tục, yêu cầu đặt ra quá khắt khe đang khiến các cơ sở karaoke gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp tháo gỡ để các cơ sở kinh doanh sớm hoạt động trở lại.

Từ nhiều tháng qua, chuỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Fyou đã đầu tư nhiều tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa hai cơ sở theo yêu cầu về quy định an toàn trong phòng cháy, chữa cháy của các cơ quan chức năng đối với các hạng mục như: cải tạo hệ thống thông gió, bố trí lối thoát hiểm, thiết kế buồng thang, tháo dỡ các vật liệu dễ cháy,…

Tuy vậy, sau khi hoàn tất, chủ cơ sở này cho biết, các đơn vị chức năng vẫn chưa nghiệm thu để cơ sở hoạt động trở lại dù chưa có yêu cầu bổ sung thêm. Ông Nguyễn Văn Nam, quản lý chuỗi karaoke Fyou cho biết, hằng tháng, cơ sở vẫn đang phải “gánh” nhiều khoản chi phí khác về mặt bằng, lương nhân viên, bảo trì thiết bị,… cho nên rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hiện đang kinh doanh lĩnh vực này.

Tương tự, ông Trần Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty ICool chia sẻ, karaoke là hình thức giải trí lành mạnh có từ cách đây vài chục năm. Tại thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, loại hình dịch vụ này hoạt động rất tốt. Các doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư hạ tầng, thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó đáp ứng nhu cầu của người dân.

Từ năm 2021 đến nay, loại hình này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người, tài sản ở tỉnh Bình Dương khiến các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy ngày một khắt khe. Ông Trần Thái Sơn cho rằng, việc “siết” các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy là rất hợp lý, tuy nhiên các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các cơ sở có thêm thời gian điều chỉnh, cải tạo hệ thống, cơ sở theo quy định, đồng thời cử cán bộ theo sát tình hình khắc phục để tránh tình trạng “sửa đi sửa lại” mất thời gian và tốn kém kinh phí.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch vụ karaoke là hình thức giải trí đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Tuy nhiên, do đặc thù loại hình này có chứa nhiều chất cháy, truyền nhiệt dễ phát sinh nguy cơ cháy nổ cho nên pháp luật có quy định rất chặt về điều kiện kinh doanh và phòng, chống cháy nổ.

Theo quy định, các cơ sở cải tạo, sửa chữa và phải được thẩm duyệt, thẩm duyệt lại theo quy định, nhưng có những cơ sở sửa chữa lại không tuân thủ quy định thiết kế đã đề ra, hoặc có hồ sơ nhưn g thiết kế không đạt yêu cầu. Ngoài ra, do nhiều yêu cầu quy chuẩn cao cho nên các cơ sở kinh doanh dịch vụ này rất khó thực hiện theo quy định hiện nay. Cơ chế quy định thay đổi cải tạo phải thiết kế thẩm định lại, công trình đã hoạt động nhưng có thay đổi nhỏ cũng vẫn phải nghiệm thu lại, rất mất thời gian. Đó là thực trạng trong thời gian qua gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Không chỉ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh karaoke mà ngay cả các đơn vị quản lý cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tại Quận 1, hiện có 10 cơ sở đăng ký hoạt động karaoke thì có bốn cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động, sáu cơ sở còn lại thì tạm ngưng sửa chữa. Lý giải thực tế này, Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó Trưởng Công an Quận 1 cho biết, hiện nay quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, trong đó, quy chuẩn đối với các cơ sở karaoke thay đổi liên tục. Tại nhiều cơ sở, nhiều hạng mục đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động, nhưng khi có quy định mới thì phải nghiệm thu, thi công lại.

Trước những khó khăn, đề xuất của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho rằng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ cho các cơ sở như: tổ chức tọa đàm, mời các doanh nghiệp để lấy ý kiến, qua đó đã tiếp nhận 82 lượt hồ sơ thẩm duyệt cải tạo về phòng cháy, chữa cháy, đã cấp 125 văn bản nghiệm thu đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo.

Ngoài ra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo thành lập các Tổ công tác trực tiếp xuống từng cơ sở để phân loại, hướng dẫn chi tiết đúng theo quy định, quy trình. PC07 cũng thành lập Tổ đặc biệt, mời các cơ sở karaoke thuộc diện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy để hướng dẫn chi tiết và cụ thể đối với các cơ sở này.

Đối với các khó khăn vướng mắc về tiêu chuẩn quy định, quy chuẩn kỹ thuật, Công an thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Công an áp dụng việc thẩm duyệt theo hướng cơ sở karaoke đưa vào hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy định ở thời điểm đó; đối với những cơ sở có thay đổi nhỏ, đã được thiết kế nghiệm thu rồi thì không

phải thẩm duyệt lại. Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn về tăng cường công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có cơ sở karaoke.

Ủy ban nhân dân giao Sở Xây dựng tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp khi chuyển đổi công năng công trình để làm cơ sở karaoke. Với những khó khăn phát sinh của doanh nghiệp, các địa phương tiếp nhận ý kiến để Sở Xây dựng tổng hợp gửi thành phố kiến nghị các bộ, ngành có bổ sung, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật.