Phòng, chống sạt lở bờ sông

Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch gây nguy hiểm đến 1.328 hộ dân. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, xây dựng nhiều dự án nhưng tình trạng sạt lở tại thành phố vẫn chưa có hồi kết.
0:00 / 0:00
0:00
Một vị trí sạt lở tại huyện Nhà Bè. (Ảnh CTV)
Một vị trí sạt lở tại huyện Nhà Bè. (Ảnh CTV)

Trong 32 vị trí sạt lở mà Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố, thành phố Thủ Ðức chiếm tám vị trí, huyện Nhà Bè có bảy vị trí, huyện Bình Chánh có bốn vị trí, huyện Cần Giờ có bảy vị trí, quận Bình Thạnh có bốn vị trí, huyện Hóc Môn có một vị trí và huyện Củ Chi có một vị trí. Trong đó, tám vị trí đặc biệt nguy hiểm nằm rải rác ở thành phố Thủ Ðức (hai vị trí), huyện Bình Chánh (hai vị trí), Nhà Bè (ba vị trí) và Cần Giờ (một vị trí). Các vị trí sạt lở hầu hết nằm ven các sông: Sài Gòn, Ðồng Nai, Phước Kiểng, Cần Giuộc, Chợ Ðệm-Bến Lức... Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân sạt lở là do tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông; các dự án nạo vét sông làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát, gia tăng xói lở bờ sông. Ngoài ra, việc người dân xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang an toàn kè bảo vệ bờ sông cũng dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún.

Ðể phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch, trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án đều chậm tiến độ hoặc chưa được thi công. Ðơn cử như tại 32 vị trí sạt lở mà thành phố vừa công bố có đến 23 vị trí sạt lở đã được lập dự án xây dựng kè với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án này thi công ì ạch hoặc chưa được thi công. Ðiển hình như dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Ða (quận Bình Thạnh) gồm bốn giai đoạn, được triển khai xây dựng từ năm 2003, đến nay mới chỉ một giai đoạn hoàn thành, phần còn lại trong tình trạng thi công dang dở. Tương tự, hai bờ rạch Giồng Ông Tố (thành phố Thủ Ðức) là hai trong số tám vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Dù dự án xây dựng bờ kè đã được phê duyệt từ năm 2018 với tổng kinh phí 46 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được triển khai xây dựng. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai chủ yếu do vướng mặt bằng để thi công. Giá bồi thường chưa thỏa đáng là lý do khiến người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho địa phương.

Trong thời gian chờ các dự án chống sạt lở hoàn thành, các địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết: Ðịa phương có khoảng 226 hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Trong thời gian qua, Nhà Bè đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, trái phép; tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Chuẩn bị mọi biện pháp để di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Huyện Cần Giờ cũng chỉ đạo các phòng, ban liên quan thường xuyên kiểm tra những khu vực sạt lở, chủ yếu là khu vực dân cư đang sinh sống. Ðồng thời, chuẩn bị các biện pháp ban đầu phù hợp để ứng phó với sự cố khi tình huống sạt lở xảy ra. Bên cạnh đó, cắt cử lực lượng trực 24/24 giờ tại hiện trường, không để người dân tiếp cận khu vực nguy hiểm; giúp người dân khi có yêu cầu; phối hợp với các đơn vị chức năng đến khảo sát, khắc phục sự cố. Tại huyện Bình Chánh cũng đã lập và cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Ðồng thời rà soát, thống kê số nhà dân có nguy cơ sạt lở để kịp thời lên phương án di dời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Ở cấp thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu: Người đứng đầu UBND các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó. Các ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kè kiên cố chống sạt lở, ưu tiên bố trí vốn thực hiện tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao; thực hiện nhiều giải pháp không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân khi có sạt lở ■