Bài 2: Tạo lực cho Thủ Đức bứt phá
Hiện, thành phố Thủ Ðức đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi lên các nhóm vấn đề lớn: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; thẩm quyền; nguồn nhân lực... Nếu không gỡ được các “điểm nghẽn” nêu trên, Thủ Ðức không thể đạt được những mục tiêu đề ra.
Ðiều này cho thấy, cần có những bước đi cả trước mắt lẫn dài hạn về giải pháp, chiến lược tổng thể để Thủ Ðức trở thành cực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ, là mô hình chính quyền đô thị kiểu mẫu-thành phố trong thành phố.
Những “rào cản” cần tháo gỡ
Theo Tiến sĩ Bùi Ngọc Hiền (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố Thủ Ðức đang đối mặt với ba điểm nghẽn. Thứ nhất là điểm nghẽn về thẩm quyền. Thẩm quyền của chính quyền thành phố Thủ Ðức tổ chức và vận hành trên cơ sở thực hiện quy định trong Hiến pháp là “đơn vị hành chính tương đương” quận, huyện, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương và các quy định khác. Tuy nhiên, các quy định này chưa toàn diện, cụ thể về một mô hình chính quyền địa phương mới. Ít có sự khác biệt về thẩm quyền của chính quyền thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cụ thể là thành phố Thủ Ðức) so với chính quyền địa phương quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền địa phương huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Ðiểm nghẽn thứ hai là thẩm quyền của chính quyền thành phố Thủ Ðức đối với tài chính-ngân sách và quản lý, thu hút đầu tư không có nhiều sự khác biệt, đột phá. Thứ ba là hệ thống thể chế, chính sách về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo chưa được hoàn thiện từ cấp độ khung thể chế, chính sách đến các cơ chế, quy định về phát triển ở từng lĩnh vực cụ thể.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh: Sau hai năm thành lập, thành phố Thủ Ðức đang gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành, hoạt động. Có những vấn đề thuộc về khách quan, có những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách và cả con người thực hiện. Nhưng có thể tập hợp thành ba nhóm vấn đề lớn: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực. Kỳ vọng Thủ Ðức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Ðông Nam Bộ, trở thành mô hình kiểu mẫu sẽ khó đạt được nếu không “giải tỏa” ba nhóm vấn đề đang “tắc nghẽn” nêu trên.
Các chuyên gia cho rằng, thể chế đóng vai trò tạo khung pháp lý, hướng dẫn cho việc tổ chức, vận hành xã hội và quá trình xây dựng thể chế triển khai vào thực tiễn thường mất rất nhiều thời gian, công sức. Ðối với Việt Nam, việc xây dựng chính quyền đô thị chưa có tiền lệ. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước đi vào thực hiện chính quyền đô thị, nên nhìn chung hệ thống thể chế dành cho chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thật sự hoàn thiện.
Cụ thể, mô hình chính quyền thành phố Thủ Ðức trong Thành phố Hồ Chí Minh chưa có nghị định, quy định rõ ràng, riêng biệt về thẩm quyền, chức năng; các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)… còn chung chung, trong khi khối lượng công việc của thành phố Thủ Ðức rất lớn, số lượng biên chế lại giảm, nhưng thẩm quyền chỉ ngang với các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạo khung thể chế cho Thủ Đức
Việc phân cấp, ủy quyền được xem là “chìa khóa” cho chính quyền đô thị vận hành hiệu quả, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định đặc thù về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Ðức nói riêng. Việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh đang được thực hiện theo Nghị định số 93/2001/NÐ-CP, ngày 12/12/2001, của Thủ tướng Chính phủ “Về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tuy nhiên, đến nay một số nội dung của nghị định này không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động quản lý nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là về mô hình kiểu mới thành phố Thủ Ðức trong Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Do kỳ vọng đề ra thành phố Thủ Ðức sẽ đóng góp 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh là hơi cao so với xuất phát điểm, cho nên để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng lộ trình phù hợp, ưu tiên nguồn lực và đặc biệt là ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Ðức. Ngoài ra, kiến nghị Trung ương có thể cho phép triển khai thí điểm đối với những cơ chế, chính sách mới đối với thành phố Thủ Ðức (như thí điểm mô hình đô thị mới) trong thời gian cho phép, sau đó sẽ tổng kết và quyết định có nên áp dụng tiếp trong giai đoạn về sau...
Ðể thành phố Thủ Ðức phát triển đúng định hướng là cực tăng trưởng mới, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Trung ương cho phép Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở một số lĩnh vực (quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị…) cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức.
Mục đích của cơ chế này là tạo điều kiện cho thành phố Thủ Ðức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền. Cơ chế này còn tạo ra sự chủ động trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của thành phố Thủ Ðức.
Các chuyên gia kiến nghị, cần bãi bỏ cơ chế thành phố Thủ Ðức ngang hàng với cấp quận để nâng cao thẩm quyền so với trước đây. Thành phố quan tâm nghiên cứu cơ chế thí điểm phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Ðức được quản lý trực tiếp khu đô thị sáng tạo (khi được thành lập); ban hành quy định mới về cơ chế, chính sách riêng biệt (cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, biên chế) nhằm tăng thẩm quyền, phát huy tối ưu cho chính quyền đô thị thành phố Thủ Ðức vận hành hiệu quả.
Với kỳ vọng là khu đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Ðông Nam Bộ…, Chính phủ cần quan tâm kiến nghị Quốc hội đưa vào cơ chế đặc thù cho thành phố Thủ Ðức. Ðồng thời, Trung ương cần xem xét và trao quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Ðức.
(*) Xem trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3/3/2023.