Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Ðây cũng được xem là đòn bẩy cho việc xây dựng đô thị thông minh, triển khai thành công các chương trình đột phá, đồng thời là nền tảng để thành phố đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Ðào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Ðào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Nghành công nghiệp vi mạch bán dẫn (chip) là nền tảng để hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Vi mạch bán dẫn được Chính phủ xác định là một trong chín sản phẩm quốc gia, là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Ðặng Lương Mô, nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng thế giới về vi mạch bán dẫn, hiện là cố vấn Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đồng thời là Chủ tịch danh dự Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA), vi mạch bán dẫn là sản phẩm công nghiệp cơ bản, là bộ phận mấu chốt, là xương sống của sự phát triển khoa học và công nghệ hiện nay. TP Hồ Chí Minh có nhiều chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, khẳng định quyết tâm đưa công nghệ vi mạch bán dẫn trở thành một trong những ngành kinh tế đột phá của thành phố trong nay mai. "Trong thời gian qua, HSIA đã làm được không ít những điều thiết thực cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng thông qua rất nhiều hoạt động, như: Ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kết nối các hội viên phát triển thị trường, tham gia đề xuất và triển khai xây dựng chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố và quốc gia…", GS, TS Ðặng Lương Mô cho biết thêm.

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được xem là hình mẫu thu hút đầu tư và phát triển ngành vi mạch bán dẫn của cả nước; trong đó, có dự án đầu tư một tỷ USD cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip của Tập đoàn công nghệ bán dẫn Intel. Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo thiết kế vi mạch thuộc Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Công viên phần mềm Quang Trung và một số doanh nghiệp (DN) vi mạch đã làm chủ các công đoạn chế tạo chip và đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm vi mạch bán dẫn. Song song đó, thành phố đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm vi mạch bán dẫn với kinh phí hơn 68 tỷ đồng; đào tạo gần 500 chuyên viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, đáp ứng một phần nhu cầu về nhân lực của các DN trong nước.

Tuy vậy, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố nhìn chung vẫn còn non trẻ, hoạt động nghiên cứu phát triển chưa đồng bộ. Hoạt động hướng tới sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư, kinh doanh sản xuất còn chưa đủ sức thuyết phục để tạo ra những bước đột phá. Mặt khác, những chương trình của thành phố làm nền tảng cho sự phát triển ngành vi mạch bán dẫn chưa phát huy được hiệu năng xứng tầm của thành phố. Kết quả của việc đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế còn hạn chế, chưa phát huy được thế mạnh tổng hợp trong và ngoài nước...

Chủ tịch HSIA Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, muốn phát triển công nghiệp 4.0 thì vai trò vi mạch bán dẫn là chủ chốt, là xương sống. Thách thức hiện nay có rất nhiều, trong đó khó nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn. Từ nay đến năm 2025, HSIA có nhiều chương trình, trong đó tập trung kết hợp các hội viên đẩy mạnh sản xuất các công nghệ nguồn, công nghệ cảm biến để đến năm 2025 trở thành ngành chính làm đòn bẩy phát triển khoa học và công nghệ. HSIA cũng tranh thủ nguồn lực của kiều bào để thu hút nguồn nhân lực, nguồn vốn và mời gọi đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn của thành phố.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được chia thành hai phần cốt lõi, đó là thiết kế và chế tạo. GS, TS Ðặng Lương Mô đề xuất: Chế tạo cần vốn lớn và xét trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ đủ điều kiện làm thiết kế các con chip điện tử để rồi thương mại hóa. Sau đó, khi đủ tiềm lực, chúng ta mới đầu tư cho lĩnh vực chế tạo vi mạch bán dẫn. Những chính sách về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay tuy đã tạo động lực cho nó phát triển nhưng chưa được xem là chính sách cốt yếu, cần phải có những chính sách cụ thể hơn, phù hợp hơn, để trong thời gian tới tạo ra hệ sinh thái cho ngành vi mạch bán dẫn. Muốn làm được điều này, chúng ta phải tạo ra những DN lớn để làm đầu tàu kéo, đồng thời là tàu đẩy cho các DN vừa và nhỏ, các DN khởi nghiệp cùng nhau phát triển.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường cho biết: Chúng ta tập trung vào thiết kế rồi đi vào thử nghiệm, ứng dụng và mới đi vào tập trung chế tạo. Một mình thành phố muốn phát triển cũng gặp khó, một con chip sản xuất ra cần phải có thị trường ứng dụng. Ðiều này cần phối hợp với nhiều đơn vị, trong đó có các DN. Trong thời gian tới, cần tiếp tục kết nối, hợp tác với các DN hàng đầu cả nước để tạo ra thị trường ứng dụng...