Hội thảo nhằm cung cấp một bức tranh tổng quát về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, các khung chính sách hỗ trợ, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn điển hình góp phần vào mục tiêu tăng trưởng “xanh”, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cải thiện khả năng tiếp cận sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn của các nền kinh tế APEC tới thị trường toàn cầu.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày từ 24 đến 25/10/2024 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên APEC và tập trung thảo luận vào 3 nội dung chính gồm: Thực trạng phát triển, tầm quan trọng, lợi ích và các chính sách liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác; Chia sẻ một số mô hình thực hành tốt về nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông sản thực phẩm và thủy sản của Việt Nam; Lộ trình và khuyến nghị phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày từ 24 đến 25/10/2024 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên APEC. |
Hội thảo chia làm 4 phiên, trong đó, phiên 1 với chủ đề “Tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Khám phá các thách thức trên toàn cầu đối với các phương pháp canh tác hiện tại trong các nền kinh tế APEC và sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, các khái niệm và phương pháp tiếp cận chính của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.
Chủ đề của phiên 2 là “Các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong nông nghiệp: Bằng chứng từ thực tiễn”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC với sự đổi mới và công nghệ nhằm phát triển một nền nông nghiệp đa giá trị.
Phiên 3 có chủ đề “Chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau giới thiệu các khung pháp lý, chiến lược, phương pháp quốc gia và các lựa chọn chính sách hiện có cho hệ thống thực phẩm nông nghiệp trong các nền kinh tế APEC, đồng thời giới thiệu các công cụ quốc tế hỗ trợ các nền kinh tế APEC xác định và triển khai các can thiệp kinh tế tuần hoàn trong thực hành nông nghiệp
Phiên 4 với chủ đề “Tương lai của kinh tế tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận các bước tiếp theo để thúc đẩy tính bền vững trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp và đẩy nhanh việc áp dụng các đổi mới kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niện tại Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức không chỉ đối với khu vực APEC mà còn đối với toàn cầu. Đó là áp lực phát triển kinh tế, sự cạn kiệt tài nguyên; sự gia tăng nhu cầu sử dụng, các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu. Việc giải quyết những vấn đề này không còn nằm trong phạm vi ranh giới một quốc gia hay nền kinh tế nào cả mà đòi hỏi phải có hành động tập thể và ngay lập tức từ tất cả chúng ta, từ tất cả các nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên và lượng phế thải tạo ra từ đó nâng cao giá trị kinh tế, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm tác động gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy kết nối với các hoạt động kinh tế khác nhau tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế.
Tạo đà cho kinh tế tuần hoàn lúa gạo
“Nông nghiệp, một trong những cấu phần quan trọng của nền kinh tế, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.Vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và xây dựng chuỗi giá trị hợp lý sẽ góp phần gia tăng hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho người nông dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.