Kinh tế tuần hoàn hiểu một cách khái quát nhất là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lí cơ bản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”.
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất. Điều này sẽ giúp việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải ở mức tối thiểu, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng rác thải rắn đô thị năm 2021 lên tới khoảng 18 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 10% được tái chế. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giảm thiểu lượng chất thải và khai thác tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những giải pháp chính để thực hiện định hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước từ những năm cuối thế kỷ 20.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu quan điểm: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”.
Quan điểm, khía cạnh liên quan kinh tế tuần hoàn như kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải, phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tiếp tục được khẳng định đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành vào ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) lần đầu tiên dành riêng một điều khoản cụ thể để quy định về kinh tế tuần hoàn. Việc quy định về kinh tế tuần hoàn trực tiếp trong Luật Bảo vệ môi trường cho thấy tầm quan trọng của định hướng xây dựng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, một chính sách xuyên suốt thống nhất và đồng bộ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp chiến lược.
Một trong những chính sách về bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 11 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Như vậy, Luật khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế cần được khuyến khích phát triển từ các cơ quan hoạch định chính sách, chỉ đạo thực hiện và đặc biệt là đối với sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành.
Tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn được ghi nhận thành một điều khoản riêng biệt. Theo đó, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xác định “Là mô hình kinh tế, trong đó có các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 giao Chính phủ có trách nhiệm quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước
Bên cạnh đó ngày 07/6/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Sau hơn hai năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ tại Quyết định số 687 đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực: Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một hướng đi cần thiết và có tiềm năng lớn cho Việt Nam. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa carbone và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.