Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học và công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Một nhóm nghiên cứu mạnh muốn duy trì, phát triển bền vững cần phải có năng lực nội sinh đủ lớn. Trưởng nhóm nghiên cứu phải đạt học vị tiến sĩ, từng chủ trì ít nhất một đề tài cấp quốc gia, cấp đại học quốc gia (từ loại B trở lên). Tùy từng lĩnh vực nghiên cứu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn có những quy định cụ thể đối với nhà khoa học giữ vai trò trưởng nhóm. Các trưởng nhóm đều phải công bố ít nhất ba bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí; nghiên cứu của nhóm có được thế giới quan tâm hay không, có được các đồng nghiệp quốc tế dõi theo, trích dẫn kết quả hay không... Do đó, vai trò dẫn dắt của trưởng nhóm và định hướng là một trong những yếu tố cốt lõi để một nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động hiệu quả. Ngoài trưởng nhóm, một nhóm nghiên cứu cần tối thiểu hai thành viên chính đạt học vị tiến sĩ trở lên, ba thành viên là nghiên cứu sinh, học viên cao học...
"Nhóm nghiên cứu mạnh sẽ góp phần hình thành, phát triển đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở từng lĩnh vực khoa học; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường đại học, tiệm cận với những tiêu chuẩn của quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Vinh nói.
Hằng năm, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân bổ 1-1,5 tỷ đồng kinh phí đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh. Sau hai năm, trường sẽ tổ chức hội đồng đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhóm nghiên cứu này để xem xét việc có tiếp tục cấp kinh phí hay không.
Một điều đáng lưu ý khác là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các nhóm nghiên cứu mạnh phải trích 20% kinh phí được đầu tư để chi trả lương cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh tham gia nhóm. Chính các nghiên cứu sinh này sẽ là thế hệ tiếp nối trong nhóm nghiên cứu ở tương lai.
Đơn cử, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử làm trưởng nhóm, đã tạo được một mạng lưới 15 thành viên từ nhiều trường khác nhau trong hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hướng nghiên cứu chính của nhóm là nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tiên tiến (MOF/ZIF, ô-xít...) trong lĩnh vực năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe, lưu trữ dữ liệu.
Đến nay, nhóm nghiên cứu gần như đã hoàn thành tất cả sản phẩm, vượt tiến độ so với đăng ký: Một bằng sáng chế Hoa Kỳ về vật liệu khung hữu cơ kim loại; 21 công bố trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu WoS/Scopus có chỉ số Impact Factor trung bình là 4,5; một chương sách quốc tế; đào tạo năm tiến sĩ và tám thạc sĩ; năm mẫu vật liệu; xây dựng mới một phòng thí nghiệm.
Kết thúc 5 năm thực hiện chương trình, mỗi thành viên chủ chốt có thể lập một nhóm nghiên cứu mới độc lập. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bốn hướng nghiên cứu liên ngành, gồm nghiên cứu vật liệu trong chuyển hóa năng lượng nhiệt điện; vật liệu lưu trữ dữ liệu; vật liệu trong chăm sóc sức khỏe; cảm biến quang học.
Cũng có thể kể nhóm nghiên cứu mạnh "Sử dụng phụ phẩm ngành công nghiệp thực phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng và sản phẩm có giá trị gia tăng" của Trường đại học Bách khoa dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Lê Văn Việt Mẫn, Trưởng Bộ môn công nghệ thực phẩm, đã nghiên cứu thành công năm thực phẩm chức năng giàu xơ và chất chống oxy hóa dành cho người béo phì, đái tháo đường, táo bón; hoàn thiện năm quy trình sản xuất thực phẩm chức năng sử dụng phụ phẩm của ngành chế biến lương thực và rau quả...
Giáo sư Lê Văn Việt Mẫn cho biết: "Vai trò của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy sự phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh là rất to lớn. Sắp tới, nhóm sẽ hợp tác với một số doanh nghiệp để thử nghiệm và hoàn thiện những công thức, quy trình sản xuất tiềm năng, hướng đến việc chuyển giao công nghệ".
Hiện nay, mỗi trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều có lĩnh vực mũi nhọn và nhóm nghiên cứu mạnh nổi bật. Trường đại học Quốc tế có nhóm "Phát triển khoa học, công nghệ và Kỹ thuật y sinh tiên tiến đáp ứng xu hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện" do Giáo sư Võ Văn Tới phụ trách. Trong ba năm hoạt động, nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và đáp ứng khoảng 70% số lượng bài báo công bố quốc tế, cũng như chế tạo nhiều thiết bị y tế.
Ngoài ra, nhóm cũng đã nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế ở Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác, nổi bật nhất là máy đo huyết áp và nhịp tim viễn thông ra mắt vào năm 2022. Điểm nổi trội của thiết bị này là nhỏ gọn, bệnh nhân có thể đeo trực tiếp lên tay và đo theo ý muốn hay đo tự động theo tần suất suốt ngày.