Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng cá sấu nuôi hàng đầu ở phía nam với số lượng khoảng 200 nghìn con, tập trung ở khu vực ngoại thành, nhiều nhất là ở quận 12, huyện Hóc Môn. Nghề nuôi cá sấu mang lại cơ hội đổi đời cho nhiều nông dân khi giá cá sấu tăng cao, xuất khẩu đi nhiều nước, mở hướng phát triển du lịch sinh thái vùng ngoại thành. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, nghề chăn nuôi cá sấu đang gặp nhiều khó khăn.
Bà Đinh Thị Ngọc Mỹ Trang, Giám đốc Công ty TNHH cá sấu Hoa Cà, cho biết: "Lúc cao điểm, công ty nuôi khoảng 10 nghìn con cá sấu các kích cỡ khác nhau. Cá sấu chuyên nuôi lấy thịt phục vụ ẩm thực và lấy da để làm sản phẩm thời trang cao cấp. Các sản phẩm từ da cá sấu như túi xách, ví, thắt lưng, dây đồng hồ… là những mặt hàng cao cấp được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt tại các khu du lịch, sân bay. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều điểm bán sản phẩm từ da cá sấu trả hàng về rất nhiều khiến doanh thu của công ty sụt giảm 80%. Giờ đây, gần như cả tuần công ty không xẻ thịt con cá sấu nào do thị trường quá trầm lắng, không tiêu thụ được".
Theo các doanh nghiệp (DN) chuyên nuôi cá sấu xuất khẩu, trước khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều cơ sở chăn nuôi cá sấu đã lao đao do giá cá sấu giảm xuống rất thấp, có khi chỉ còn 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg, khiến người nuôi thua lỗ. Nguyên nhân là các thương lái thường xuyên ép giá thu mua cá sấu xuất khẩu.
Thực tế cũng cho thấy, nghề chăn nuôi cá sấu còn thiếu những yếu tố phát triển bền vững. Mức độ liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của các hộ chăn nuôi còn kém cho nên bị thương lái thao túng giá. Dù số DN, hộ chăn nuôi cá sấu rất lớn nhưng những đơn vị đạt tiêu chuẩn của Công ước về thương mại quốc tế các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trên địa bàn thành phố lại rất ít cho nên cơ hội xuất khẩu còn hạn chế.
Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, các quốc gia nhập khẩu cá sấu (chủ yếu là Trung Quốc, Thái-lan, Nga…) chưa mở cửa trở lại khiến cá sấu thương phẩm vẫn bế tắc đầu ra. Điều này càng khiến giá cá sấu càng khó hồi phục. Giá một con cá sấu thương phẩm khoảng ba đến năm kg/con hiện ở mức 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/con; loại 10 đến 15 kg/con giá khoảng 700 nghìn đến 800 nghìn đồng/con. Mức giá này đã giảm một nửa so với trước đây.
Theo bà Đinh Thị Ngọc Mỹ Trang, cá sấu nuôi đến kỳ khai thác vẫn phải tiếp tục nuôi khiến DN tốn kém thêm chi phí thức ăn. Công ty phải giảm lượng nhân công từ 100 người xuống còn 50 người nhưng vẫn phải hỗ trợ kinh phí cho họ. Các DN nuôi cá sấu cần Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vay vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, chờ thị trường hồi phục. UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình quản lý, phát triển cá sấu và động vật hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã đúng quy định của pháp luật; tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cá sấu và động vật hoang dã hợp pháp, góp phần cải thiện đời sống người dân ngoại thành, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục duy trì cơ sở nuôi cá sấu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến; giảm dần tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô. Từng bước phát triển các cơ sở nuôi tập trung theo phương thức an toàn sinh học, giảm rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến động vật hoang dã và vật nuôi. Phổ biến, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả phù hợp tại địa phương và áp dụng các giải pháp gây nuôi, kiểm soát ngăn ngừa các vấn đề ô nhiễm, lây nhiễm chéo.
Để thực hiện các mục tiêu quản lý và cứu hộ động vật hoang dã từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động gây nuôi cá sấu và động vật hoang dã chấp hành các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi, cơ sở chế biến, kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất sản phẩm thuộc da...
Đồng thời, thành phố sẽ ứng dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để quản lý các trại nuôi động vật hoang dã và các cơ sở chế biến sản phẩm của chúng. Cải tiến phương pháp quản lý, cập nhật thống kê kịp thời các cơ sở gây nuôi, số lượng chủng loài; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình biến động tăng, giảm đàn của từng cơ sở gây nuôi, chế biến theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi thực hiện các phương án bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong hoạt động gây nuôi, vận chuyển đối với động vật hoang dã theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý tại cơ sở về kiến thức pháp luật, quản lý chuồng trại, kỹ thuật gây nuôi, xử lý dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp đưa vào cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.