Phát thải khí nhà kính của Nhật Bản tăng 2% trong năm tài chính 2021-2022

NDO - Phát thải khí nhà kính của Nhật Bản tăng trong bối cảnh hoạt động công nghiệp trong nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu được Bộ Môi trường Nhật Bản công bố ngày 20/4, trong năm tài chính 2021-2022, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại đất nước “Mặt trời mọc” tăng lên mức tương đương 1,17 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) so với 1,15 tỷ tấn một năm trước đó.

Đây là lần đầu tiên trong 8 năm Nhật Bản ghi nhận phát thải khí nhà kính tăng vọt. Trong năm tài chính 2020-2021, lượng khí thải của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi quá trình thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1990-1991.

Được biết đến là quốc gia phát thải khí CO2 lớn thứ 5 thế giới, Nhật Bản đặt mục tiêu giảm 46% tổng lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2013. Nếu những nỗ lực này trở thành hiện thực, phát thải khí nhà kính của Nhật Bản sẽ giảm xuống còn tương đương 0,76 tỷ tấn CO2 vào cuối thập kỷ này.

Ông Fumio Ito, một quan chức của Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, nguyên nhân dẫn đến lượng khí thải gia tăng trong năm 2021-2022 bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng vọt trong quá trình phục hồi kinh tế sau sự sụt giảm do đại dịch.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 3% so với năm 2019-2020 khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Theo ông Ito, điều này cho thấy bước tiến trong việc hiện thực hoá mục tiêu khí hậu đề ra cho năm 2030.

Báo cáo của Bộ Môi trường cũng nêu rõ, lượng khí nhà kính được hấp thụ bởi rừng và các nguồn khác trong năm 2021-2022 là 47,6 triệu tấn, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 4 năm.

Năng lượng tái tạo chiếm 20,3% trong tổng số 1,03 nghìn tỷ kWh điện được tạo ra, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm trước.

Bên cạnh đó, năng lượng hạt nhân cũng tăng 3 điểm phần trăm lên 6,9%, trong khi nhiệt điện chiếm 72,8%, giảm 3,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ.