Nhật Bản hỗ trợ ASEAN theo dõi lượng phát thải khí nhà kính

NDO -

Báo Nikkei đưa tin, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo dõi và đo lường lượng phát thải khí nhà kính bằng cách thành lập một khung đo lường và giám sát các ngành công nghiệp.

Quang cảnh một nhà máy nhiệt điện than ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/7/2020. (Ảnh: Reuters)
Quang cảnh một nhà máy nhiệt điện than ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/7/2020. (Ảnh: Reuters)

Các kế hoạch thực thi sáng kiến trên sẽ được soạn thảo trong tháng này và được công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Anh vào tháng 11 tới.

Việc đánh giá lượng khí phát thải do các công ty ở ASEAN tạo ra đang gặp khó khăn do nhiều quốc gia thành viên thiếu phương pháp theo dõi. Trong khi đó, khả năng giám sát những nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon trên khắp chuỗi cung ứng ngày càng trở nên quan trọng.

Mỗi năm, các công ty tại Nhật Bản thải ra ít nhất 3.000 tấn carbon dioxide (CO2) đều phải báo cáo lượng khí thải theo địa điểm. Các yêu cầu tương tự cũng được áp dụng ở châu Âu và Mỹ.

Mô hình của Nhật Bản, bao gồm các phương pháp tính toán được các công ty sử dụng, sẽ là tiêu chuẩn mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể áp dụng ngay trong những năm tới đây.

Nhật Bản đã có kế hoạch hỗ trợ và tham gia vào các dự án chung về môi trường tại các quốc gia Đông Nam Á.

Tại Philippines, một thử nghiệm thực địa sẽ bắt đầu vào mùa hè tới để tính toán lượng khí thải theo ngành.

Việc tính toán phát thải ở Philippines có thể sẽ dựa trên dữ liệu bao gồm điện và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, cũng như khối lượng sản xuất. Khí methane từ chất thải cũng sẽ được đo lường. Quá trình lựa chọn các lĩnh vực cần được đo lường cũng đang được tiến hành tại Việt Nam và Thái Lan.

Trong bối cảnh vấn đề biến đổi khí hậu đang nóng lên, người tiêu dùng và các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến quá trình khử carbon.

Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Apple của Mỹ đã công bố mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình vào năm 2030. Các công ty không thể đo lượng khí thải và đạt được tiến độ giảm phát thải sẽ đối mặt với nguy cơ bị loại bỏ với tư cách là nhà cung cấp.

Lượng khí thải của ASEAN được dự báo sẽ tăng khi nền kinh tế của khu vực đang ngày càng mở rộng. Malaysia đã đặt mục tiêu giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005, trong khi Singapore đặt mục tiêu cắt giảm 36%.