SỞ Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quy trình thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động để xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô-tô khi xe, tài xế, chủ xe không còn ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm (gọi là phạt nguội). Việc thí điểm tiến hành trong một năm, tại ba trạm cân tự động, gồm:
Trạm cân số 3 khu vực cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (hướng từ huyện Bình Chánh đi Quận 7) và Trạm cân số 6, 7 khu vực trạm thu phí An Sương-An Lạc (Quốc lộ 1, quận Bình Tân). Đây cũng là khu vực được xem là điểm nóng tập trung lưu lượng xe lưu thông qua lại trên địa bàn thành phố. Thời gian thu thập dữ liệu là 24/24 giờ.
Hệ thống cân tự động có thiết bị cảm biến đặt dưới đường, có camera tự động chụp biển số xe, đọc ra các thông tin như tên chủ xe, khối lượng xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng. Hệ thống sẽ tự động tính toán xe có vi phạm tải trọng không, mức độ vi phạm ra sao…
Là chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa chuyên chở hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, ông Nhã Thành (quận Tân Bình) tán đồng quy định phạt nguội. Theo ông Thành, thực tế có tình trạng một số chủ doanh nghiệp bằng nhiều cách luồn lách qua mặt các trạm kiểm tra tải trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông. Ngoài ra, hành vi chở quá tải chính là một cách giảm giá cước vận tải, cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt.
“Do đó, việc phạt nguội cần được làm đại trà sau khi thực hiện thí điểm nhằm công khai, minh bạch công tác xử lý vi phạm, qua đó lập lại trật tự an toàn giao thông”, ông Thành chia sẻ.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Dũng cho hay: Các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên xung phong đã ngưng phối hợp kiểm soát tải trọng phương tiện tại các Trạm kiểm tra tải trọng thứ cấp từ ngày 1/10/2017. Do đó hiện nay, tại các trạm kiểm tra tải trọng thứ cấp chỉ còn duy nhất lực lượng thanh tra giao thông và nhân viên kỹ thuật, trong khi công tác này phải bảo đảm hoạt động 24/7.
Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý vi phạm hết sức khó khăn. Chẳng hạn, việc phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân... theo ông Dũng, cũng chỉ xử phạt được người lái xe và chủ xe, chưa thể thực hiện hạ phần quá tải tại nơi phát hiện vi phạm do không thể đáp ứng các điều kiện về bảo quản hàng hóa.
Điều này dẫn tới công tác kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải, phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân còn gặp khó khăn. Nhiều tài xế vi phạm tải trọng cố tình né trạm, bỏ chạy, bỏ xe tại hiện trường.
Trước những khó khăn thực tế đang diễn ra, thời gian qua Sở Giao thông vận tải thành phố đã chủ động đề xuất triển khai thí điểm phạt nguội xe quá tải và được chấp thuận. Quá trình giám sát diễn ra 24/24 giờ thông qua công nghệ sẽ không cần bố trí lực lượng tại trạm. Việc này giúp giảm sức người, giảm nhân lực trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Theo quy trình phạt nguội mới ban hành, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị vận hành các trạm cân, khai thác dữ liệu hằng ngày để tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, xác định mức vi phạm theo quy định. Sau đó, nhân viên trung tâm sẽ kiểm tra thông tin in phiếu cân, lập hồ sơ đề nghị xử phạt chuyển về cho Thanh tra Sở Giao thông vận tải.
Khi nhận hồ sơ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải xác minh chủ phương tiện, địa chỉ và số điện thoại của chủ phương tiện (nếu có) qua trang đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tiếp đó, gửi thông báo đến chủ phương tiện qua đường bưu điện. Nếu quá hạn mà không liên hệ được chủ xe hoặc chủ xe không nộp phạt thì Thanh tra Sở phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương quản lý phương tiện tiến hành truy thu; đồng thời, gửi thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Nói về áp dụng phạt nguội xe quá tải, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc Sở Giao thông vận tải ban hành quy định này là rất cần thiết và phù hợp.
Việc phạt nguội không nên chỉ áp dụng ở ba trạm cân nói trên mà cần sớm nhân rộng ra các trạm cân đặt tại các cửa ngõ của thành phố, nhằm chấn chỉnh tình trạng chở quá khổ quá tải trọng, qua đó, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, không vì miếng cơm, manh áo mà bất chấp vi phạm...
Theo Quy trình thí điểm sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động, trường hợp chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện hoặc người đại diện theo ủy quyền của chủ phương tiện không chấp nhận với lỗi vi phạm hành chính yêu cầu xác thực kết quả phiếu cân thì Thanh tra Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành lập biên bản việc ghi rõ nội dung không đồng ý của chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện, người đại diện theo ủy quyền của chủ phương tiện, đồng thời, liên hệ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị để phối hợp (trong vòng hai ngày) làm rõ nội dung không đồng ý với kết quả trong phiếu cân. Trường hợp chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, người đại diện theo ủy quyền của chủ phương tiện, chấp nhận với lỗi vi phạm thì: Lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện về từng hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện; tước Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận đăng kiểm, Tem kiểm định... |