Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, tổng số hội viên phụ nữ thành phố hiện nay hơn 902.000 người. Những năm gần đây, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã nỗ lực chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, tập trung về cơ sở, quan tâm địa bàn xa trung tâm, có khó khăn trong tổ chức hoạt động. Đặc biệt, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã thực hiện rà soát, kiện toàn 746 tổ chức Hội cơ sở, hơn 5.000 chi hội và bảo đảm sự đồng bộ hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư.
Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại năm 2022, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đại biểu cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ thành phố thông qua các cấp Hội, các tổ chức thành viên, sinh hoạt hội viên từ cơ sở, nắm bắt dư luận xã hội.
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đại diện cho nữ trí thức, phụ nữ dân tộc, cán bộ hội, phụ nữ là thanh niên xung phong, nữ doanh nhân, nữ công nhân lao động... của Thủ đô đã phản ánh, nêu hàng loạt vấn đề như: Phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ tham gia đóng góp xây dựng Thủ đô; quan tâm về chế độ, chính sách, hỗ trợ về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, luân chuyển cán bộ nữ...
Trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu về đề nghị thành phố quan tâm, có cơ chế để phát huy vai trò, tạo điều kiện để nữ trí thức Hà Nội được đóng góp cho Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, lãnh đạo thành phố rất trân trọng và đánh giá cao trí tuệ, tâm huyết và những đóng góp của đội ngũ trí thức, trong đó có các nữ trí thức cho sự phát triển của Thủ đô. Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều kênh tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản biện của các trí thức và nhà khoa học cũng như các tầng lớp nhân dân.
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, đồng chí đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố cần quan tâm, lấy ý kiến tư vấn, góp ý của Hội Nữ trí thức thành phố khi xây dựng một số chính sách quan trọng như: Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), các cơ chế chính sách đặc thù, các vấn đề liên quan đến môi trường cho phát triển bền vững, chính sách giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đối với vấn đề đại biểu nêu về đầu tư các công viên, vườn hoa phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của phụ nữ, trẻ em và người dân tại các huyện phía nam Thủ đô, Bí thư Thành ủy cho biết, quán triệt Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy khi xem xét cho chủ trương về 14 nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng vùng huyện. Trong đó, tại các huyện phía nam thành phố như Phú Xuyên, Thường Tín, thành phố đã yêu cầu phải quy hoạch khu vực nông thôn bảo đảm giữ gìn văn hóa làng quê Bắc Bộ, đồng bộ và gắn với các tiêu chí đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn.
Vì vậy, để bảo đảm việc phát triển công viên, vườn hoa, sân chơi trên địa bàn các huyện, nhất là các huyện phía tây và phía nam thành phố, đồng chí đề nghị các huyện rà soát các địa điểm quy hoạch, huy động các nguồn lực, thứ tự ưu tiên để xây dựng kế hoạch, định hướng đầu tư phát triển, duy trì các công viên, vườn hoa, sân chơi theo phân cấp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Trường hợp các địa phương khó khăn trong việc huy động nguồn lực, thành phố sẽ hỗ trợ từ ngân sách theo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới để các huyện có đủ nguồn lực triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Về xây dựng đề án tổ chức một số sự kiện phát huy vai trò của phụ nữ xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo, đồng chí yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố để chỉ đạo, phê duyệt, bảo đảm các sự kiện được tổ chức thiết thực, hiệu quả, có uy tín và sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân Thủ đô.