Phụ nữ Thủ đô giúp nhau phát triển kinh tế

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, giúp phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm trao tặng phương tiện, công cụ sản xuất cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.Ảnh: DƯƠNG LINH
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm trao tặng phương tiện, công cụ sản xuất cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.Ảnh: DƯƠNG LINH

Để giúp các gia đình hội viên có thêm công cụ sản xuất, ổn định cuộc sống, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm đã bàn giao bảy máy may công nghiệp, một tủ cấp đông, một máy cày mi-ni với tổng giá trị gần 80 triệu đồng tới chín hội viên phụ nữ là các hộ cận nghèo trên địa bàn.

Bằng nhiều cách làm sinh động, sáng tạo, những năm qua các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều mô hình thiết thực, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, mang lại hiệu quả thiết thực với hội viên và cộng đồng.

Là một điển hình giúp nhau làm kinh tế, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của phụ nữ xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm được thành phố công nhận là mô hình dân vận khéo tiêu biểu. Bà Nguyễn Thị Ngư, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Đặng Xá chia sẻ về những ngày đầu đầy khó khăn, vất vả: Năm 2017, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch của thị trường, tôi đã vận động các chị em trong thôn cùng sản xuất rau an toàn. Sau hai năm, chúng tôi mạnh dạn dùng nguồn vốn tích lũy để mở rộng quy mô.

Năm 2019, Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của phụ nữ xã Đặng Xá đã được thành lập với 30 thành viên. Chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ được hình thành, mỗi ngày cung cấp từ một đến hai tấn rau, củ, quả cho hệ thống siêu thị Vinmart, góp phần giải quyết việc làm cho 20 chị em.

Khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp hữu cơ, chị Nguyễn Thị Mùi ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Chị đã liên kết các hội viên thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến. Đến nay, cơ sở đã xây dựng và được công nhận quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cho 12 ha bưởi, 55 ha lúa; đã có 5 ha rau, 20 ha bưởi, 5 ha thủy sản, được công nhận bảo đảm tiêu chuẩn Vietgap.

Đáng chú ý, toàn bộ nông sản của xã viên được hợp tác xã bao tiêu, cung cấp cho các trường học, siêu thị với giá thu mua ổn định. Đây cũng là đơn vị đầu tiên được thành phố cho phép sử dụng địa danh Nam Phương Tiến để xác lập nhãn hiệu tập thể đăng ký bảo hộ cho thương hiệu gạo hữu cơ.

Những năm qua, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã có nhiều phong trào thi đua thu hút sự tham gia của đông đảo chị em. Tiêu biểu là Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” được triển khai sâu rộng trong các cấp hội. Trọng tâm là thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thi đua nuôi dạy con tốt, không để trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; giáo dục các thành viên gia đình chấp hành tốt pháp luật, ứng xử có văn hóa trong gia đình, tạo sự gắn kết giữa các thành viên, không bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số; hỗ trợ giúp đỡ người thân trong gia đình có lầm lỡ trở về.

 Đồng thời tích cực tham gia bảo vệ môi trường, sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, sạch phố, sạch đồng ruộng. 5 năm trở lại đây, Hội Phụ nữ các cấp của Thủ đô đã giúp đỡ thêm 21.887 gia đình đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch”; 10.070 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, 7.152 hộ ra khỏi diện cận nghèo. Các cấp hội đã trao 10.020 suất học bổng, đỡ đầu hằng tháng 122 con em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện học tập, hơn 700 cháu thanh, thiếu niên chậm tiến có tiến bộ…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đưa các phong trào thi đua, trong đó có Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” vào chiều sâu, xem đây là bước đột phá, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp, thu hút đông đảo hơn nữa các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.