Ðây là tiền đề quan trọng để thành phố trở thành động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung.
Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cao nhất vào tốc độ tăng trưởng của vùng Ðông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ðối với vùng Ðông Nam Bộ, ở giai đoạn này, thành phố đóng góp 3,48 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp khoảng 2,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,51% của cả vùng. Còn với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thành phố đóng góp khoảng 3,24 điểm phần trăm, các địa phương còn lại đóng góp 2,41 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 5,65% của cả vùng.
Thống kê trên cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút và sức lan tỏa lớn đối với nguồn vốn đầu tư vào thành phố và đầu tư của thành phố với vùng Ðông Nam Bộ và cả nước. Ðến năm 2021, thành phố là địa phương thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự án có vốn đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp thành phố đã đẩy mạnh đầu tư ra các tỉnh trong vùng, góp phần quan trọng vào phát triển của vùng và các địa phương trong cả nước, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu. Thành phố còn là trung tâm ngân hàng, tài chính, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục-đào tạo của vùng, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao về dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực; phục vụ khám, chữa bệnh; hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng...
Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng Ðông Nam Bộ chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Giai đoạn 2016-2020, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5,65%/năm, vùng Ðông Nam Bộ tăng trưởng 5,51%/năm, trong khi cả nước tăng 5,99%/năm. Ðiều này làm giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của vùng cũng giảm so cả nước.
Nguyên nhân được cho là một thời gian dài vùng Ðông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam chủ yếu phát triển theo chiều rộng, việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển chưa hiệu quả, việc chuyển sang phát triển theo chiều sâu dù đã được các địa phương trong vùng thực hiện nhưng giá trị tạo ra chưa đủ lớn để tạo nên sự phát triển đột phá.
Các địa phương trong vùng còn có sự chênh lệch lớn về quy mô kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 50% GRDP của vùng, các địa phương còn lại chiếm tỷ trọng thấp; sự tăng trưởng chậm lại của thành phố đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn vùng; sự phối hợp, phát triển vùng dựa trên khai thác những tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong thời gian qua còn nhiều bất cập, phân bổ vốn không hợp lý để vùng tiếp tục phát triển. Hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển thời gian qua chưa được đầu tư đồng bộ, quá tải, dẫn đến sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả.
Ðể vùng Ðông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung phát triển nhanh, bền vững, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất: Các cơ quan liên quan cần nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Ðông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng; ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics để tạo mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh. Bà Mai cũng cho rằng cần mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong một số lĩnh vực quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và ngân sách.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế địa phương” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bổ ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch vùng Ðông Nam Bộ theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng, giải quyết bốn mối quan hệ. Ðó là quy hoạch không gian kinh tế; kết nối hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung; bảo vệ môi trường chung; đồng thời, khai thác đúng tiềm năng và thế mạnh từng địa phương trong vùng, trong đó, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm logistics, Trung tâm đổi mới sáng tạo; Ðô thị Khoa học công nghệ; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại, vui chơi giải trí của vùng và cả nước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với vị trí, vai trò của mình, đòi hỏi Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo cơ chế, xác lập liên kết vùng toàn diện, lựa chọn được vấn đề cốt lõi để bứt phá phát triển; trong đó tập trung đột phá về kinh tế số, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp trọng yếu, phát triển kinh tế biển gắn với xây dựng hệ thống logistics cho toàn vùng. Trong xây dựng chiến lược phát triển, thành phố cần vượt ra khỏi ranh giới hành chính, tạo cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan trong liên kết vùng.