Phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng chính quyền đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt nhiều vấn đề nan giải của một đô thị lớn trong việc vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ những đặc trưng văn hóa truyền thống. Trong đề án xây dựng chính quyền đô thị, thành phố xác định, phải giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng đất Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm hình thành và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Một biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần, Quận 3 cần được gìn giữ để bảo tồn.
Một biệt thự cổ trên đường Võ Văn Tần, Quận 3 cần được gìn giữ để bảo tồn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, hiện đại, với hơn 300 năm lịch sử hình thành, phát triển. Nơi từng có một thời được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” và hiện nay vẫn là một đô thị phát triển quy mô lớn nhất Việt Nam.

Ngoài phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng, lắng đọng, hội tụ, tạo dựng bản sắc và phát triển với sự kết tinh của nhiều dân tộc, tôn giáo gắn với các bản sắc của nhiều tộc người, là mảnh đất màu mỡ cho sự du nhập, hội tụ, lan tỏa mang lại những nét văn hóa truyền thống riêng có của đô thị hiện đại nhưng vẫn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, thành phố đối mặt với thách thức vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ những đặc trưng văn hóa truyền thống. Những giá trị truyền thống đang có nguy cơ biến dạng, mai một và hỗn tạp đi rất nhiều.

Một số lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công do hoạt động kinh tế thị trường xâm nhập, bị biến đổi cho nên hoạt động còn cầm chừng, thậm chí “thoi thóp”, nhiều nghệ nhân lưu giữ những tri thức dân gian tuổi đã cao lần lượt qua đời, nhiều loại hình diễn xướng dân gian có nguy cơ biến mất vĩnh viễn…

Đó là chưa kể, nhiều kiến trúc, cảnh quan từng là biểu tượng của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh đã biến dạng hoặc mất đi như: công viên Chi Lăng, tòa nhà Sở Học chính Nam Kỳ, khu thương xá và căn hộ Ê-đen, hàng cây cổ thụ chung quanh Nhà hát lớn thành phố, thương xá Tax, hàng cổ thụ đại lộ Tôn Đức Thắng...; hay một số công trình lớn từng bị đe dọa phá bỏ: Dinh Thượng Thơ, khu nhà thờ và tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, khu biệt thự Hui Bon Hoa (góc Lý Thái Tổ-Hùng Vương)...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân cho rằng, trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị, Thành phố Hồ chí Minh cần nhìn nhận vấn đề bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó các giá trị di sản văn hóa làm nền tảng để phát triển hàng đầu.

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất cả nước, vấn đề xác định giá trị truyền thống, xây dựng chuẩn mực giá trị vừa có những nét chung, vừa mang bản sắc riêng ở Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh được đặt ra một cách cấp bách hơn. Vì đây không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất cả nước.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần đặt vấn đề, thành phố cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống công trình kiến trúc nhiều loại có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị.

Tại hội thảo “Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh” vừa được Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Thạc sĩ Phạm Đình Bích Vân (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phát huy tính sáng tạo trong các không gian công cộng là một cách thức hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho thành phố.

Tác động tích cực đầu tiên là cộng đồng cư dân sẽ được tiếp cận với các tri thức mới, kỹ năng mới, công nghệ hiện đại và thu hút nguồn lực đầu tư, đây sẽ là không gian để các thành viên trong cộng đồng gắn kết với nhau tạo nên một môi trường cởi mở và sáng tạo. Tiếp đó, không gian công cộng sáng tạo, dù lớn hay nhỏ, đều có đội ngũ để duy trì hoạt động và một cộng đồng tham gia để thực hiện công việc sáng tạo.

Sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng của các không gian công cộng này, nhất là tại các thành phố lớn sẽ giải quyết phần nào nhu cầu việc làm, tạo ra nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo. Cùng với đó, đây là nơi khơi nguồn cảm hứng, kết nối để tạo thành mạng lưới cộng đồng sáng tạo; đồng thời, làm thay đổi diện mạo, bản sắc đô thị theo hướng tích cực. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân lại cho rằng, trong quá trình chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng mô hình chính quyền đô thị thì cần xác định các giá trị tôn trọng-hòa đồng-đoàn kết-hợp tác vào giá trị chung của thành phố và cả khu vực.

Đây là các giá trị, chuẩn mực chung thành phố cần tạo thành chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay. Cũng theo ông Nhân, thành phố cũng cần định hình các giá trị văn hóa đặc trưng cho cả khu vực nội thành và ngoại thành. Cụ thể, khu vực trung tâm thành phố như Quận 1, Quận 3, các giá trị, đặc điểm văn hóa đã được hình thành rõ nét và ít thay đổi. Tuy nhiên, các khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức, các giá trị đặc trưng của thành phố gần như chưa được thể hiện rõ.

Đồng quan điểm, theo bà Phạm Lan Hương, Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, để truyền tải những giá trị truyền thống của thành phố đến các cộng đồng dân cư, tạo sự đoàn kết và thống nhất, các ban, ngành và chính quyền thành phố cần xây dựng chiến lược và những kế hoạch truyền thông cụ thể. Theo bà Hương, quản lý truyền thông cũng là một khía cạnh của công tác phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị thành công.