Nhiều nguồn thu suy giảm
Trong 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 326.193 tỷ đồng, đạt 69,45% dự toán và giảm 6,35% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa 232.681 tỷ đồng, đạt 71,91% dự toán, giảm 4,22% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 93.508 tỷ đồng, đạt 64,13% dự toán, giảm 11,26% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả chưa đạt kỳ vọng, vì số thu giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn; cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài; bất ổn ở hệ thống ngân hàng Mỹ, châu Âu, cùng chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt của nhiều quốc gia.
Trong nước, thị trường bất động sản chưa phục hồi; thị trường tài chính, chứng khoán còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và tiếp tục tạo sức ép lớn lên số thu các sắc thuế chính của khu vực kinh tế trong 9 tháng qua.
Bên cạnh đó, nhằm kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, Chính phủ đã ban hành một số chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, như: Nghị định số 12/2023/NĐ-CP quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội...
Điều này cũng có những tác động nhất định tới số thu khu vực kinh tế.
Theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, lũy kế 9 tháng năm 2023, nguồn thu từ khu vực kinh tế được 137.280 tỷ đồng, đạt 70,7% dự toán pháp lệnh năm, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022.
Nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng này là do tác động của Nghị định số 91/2022/NĐ-CP làm thay đổi quy luật nộp thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến số thu thuế này có tốc độ tăng trưởng 24,4% so với cùng kỳ. Đây là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn (50%) trong khu vực kinh tế.
Trong khi đó, các sắc thuế còn lại như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân đều giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ giảm lần lượt là hơn 8%, hơn 14% và 2,4%. Trong 9 tháng, có khá nhiều khoản thu của thành phố đạt chưa đến 70%.
Đáng chú ý, tình hình nợ thuế nội địa trên địa bàn thành phố đang ở mức cao. Tổng số tiền thuế nợ tính đến hết ngày 30/9/2023 là 49.993 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2022 tăng 10% tương ứng 4.536 tỷ đồng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có nợ lớn về các khoản thu từ đất là 12.667 tỷ đồng, nhóm doanh nghiệp bất động sản có nợ lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp là 4.212 tỷ đồng.
Chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế
Theo nhận định của Cục Thuế thành phố, tháng 10/2023, tuy vẫn còn khó khăn nhưng tình hình kinh tế trên địa bàn thành phố bắt đầu có những chuyển biến tích cực so với những quý đầu năm 2023.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang có hiệu lực, qua đó, sẽ tác động tới số thu ngân sách nhà nước. Dự kiến thu ngân sách nhà nước tháng 10/2023 được khoảng 37.500 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đạt 269.998 tỷ đồng, đạt 83,4% dự toán thu ngân sách năm 2023.
Để đạt mục tiêu này, Cục Thuế thành phố tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, trong đó đa dạng các hình thức nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế tiếp cận và tự giác tuân thủ pháp luật thuế; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tốt công tác đối thoại và trả lời các vướng mắc của người nộp thuế thông qua thư điện tử.
Cục Thuế thành phố cũng ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời, đúng quy định, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính để tái sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế nhằm bảo đảm các doanh nghiệp đều được thụ hưởng chính sách kịp thời.
Đồng thời, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề đã xây dựng; rà soát, xử lý việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, hải quan, ngân hàng... để xác minh, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý, phòng chống gian lận trong hoàn thuế.
Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc thu để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố kịp thời báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, triển khai các chính sách giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, thực hiện tốt công tác hoàn thuế để hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn; đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Về công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu phân loại nợ thuế theo bốn nhóm và áp dụng các biện pháp phù hợp.
Cùng với đó là rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế; kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện được giao đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất nhằm khai thác tối đa nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì đẩy nhanh việc thẩm định phương án giá đất, nhằm khai thác nguồn thu từ nhà đất thông qua bán đấu giá các khu đất, thu nghĩa vụ tài chính…