Chọn mua nhiều thực phẩm khác nhau tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chị Nguyễn Thị Hương (30 tuổi) cảm thấy yên tâm khi giá cả đã giảm sâu nên khá dễ mua. Với 150.000 đồng, chị Hương mua được nào cà chua, rau muống, nửa ký thịt heo và cả quả dưa hấu to để cả nhà giải nhiệt... "Giá rau trái, thịt heo khá rẻ, tôi dễ dàng mua được nhiều món ăn cho gia đình mà không cần phải tính toán, cân đong chi tiêu nhiều như trước", chị Hương nói.
Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Thái Bình (Quận 1), Tân Định (Quận 3), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)…, phần lớn tiểu thương cho biết: Hàng hóa về chợ nhiều, vì vậy giá cả thực phẩm, rau, củ, quả đã giảm một phần ba so với trước Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương chợ Hòa Bình (Quận 5) khẳng định: "Ngay sau Tết, giá cả đã quay về mức bình thường như trước. Nguyên nhân để "kéo" khách đến chợ, cùng với lượng hàng hóa từ các tỉnh về thành phố dồi dào, chúng tôi bán hàng đúng giá, cho nên khách rất hài lòng".
Do tháng Giêng nhiều người dân ăn chay, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu này cũng đa dạng, phong phú. Phần lớn sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan có giá khá rẻ. Cụ thể, há cảo chay 62.000 đồng-66.000 đồng/kg, bánh chưng giá từ 30.000 đồng-40.000 đồng/chiếc… Cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm chay Âu Lạc Nguyễn Thị Hà Trang (quận Gò Vấp) cho biết: Đã chuẩn bị lượng hàng lớn đáp ứng nhu cầu của thực khách. Hiện tại sức mua đã tăng hơn 50% so với ngày thường, giá không tăng. Ngoài những sản phẩm chay khô, chay đông lạnh, thị trường năm nay có thêm nhiều sản phẩm chay mới được đóng gói sẵn, giá dao động từ 50.000 đồng-100.000 đồng/gói 200g-300g.
Tuy nhiên, sức mua thực phẩm tại chợ và siêu thị ở thành phố khá chậm. Theo Trưởng Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai, Thái Bình Sơn, chợ có gần 1.700 sạp nhưng chỉ có hơn 1.000 sạp đang hoạt động. Trong đó, ngành hàng thực phẩm có 264 hộ nhưng hiện nay chỉ còn 162 hộ kinh doanh. Nguyên nhân, do kinh doanh quá chậm cho nên tiểu thương thu hẹp hoạt động.
"Sau Tết, nhiều tiểu thương mở cửa kinh doanh sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm, cúng kiếng của người dân nhưng sức mua rất thấp, lượng khách đi chợ vẫn khá vắng. Chúng tôi đang đẩy mạnh tập huấn để tiểu thương kinh doanh trực tiếp và trực tuyến; ban quản lý chợ cũng sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để thu hút khách đến chợ nhiều hơn" ông Sơn nói. Trưởng phòng Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Lê Phúc Hậu chia sẻ, lượng hàng hóa nhập về chợ đang tăng lên từng ngày. Hiện giá cả đã trở lại bình thường. Đại diện chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) cũng thông tin, lượng hàng hóa về chợ đang tăng dần trở lại, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định.
Liên quan đến giá cả hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Thành phố có ba chợ đầu mối nông sản cung ứng thị trường đạt bình quân 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả). Có 47 trung tâm thương mại, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp và 132 siêu thị huyện, ngành), hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động với tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
"Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình bình ổn thị trường, vì vậy giá cả hàng hóa được bảo đảm ổn định trước, trong và sau Tết một tháng. Vì thế không có chuyện tăng giá sau Tết" ông Phương khẳng định. Cũng theo ông Phương, đối với việc kiểm tra hàng hóa, giá cả trên địa bàn, Sở Công thương thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý thị trường… thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên đề. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, các đơn vị đã báo Sở Công thương, Sở Tài chính để đi kiểm tra hàng hóa thị trường trong thời gian mua sắm trước, trong và sau Tết. Tới nay, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường nào về giá cả, hàng gian, hàng giả trên địa bàn.
Giám đốc Sở Công thương, Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay: Thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp mở thêm các cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn phục vụ người dân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư đông. Đến nay, thành phố đã có hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn phục vụ người dân tại khắp các địa bàn thành phố; trong đó, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25%-43% nhu cầu thị trường. "Sở Công thương cũng tăng cường phối hợp các ban, ngành kiểm tra, giám sát, kịp thời khắc phục hạn chế; bảo đảm chất lượng hàng hóa, niêm yết, công khai giá cả, bình ổn thị trường, bảo đảm đời sống nhân dân và an sinh xã hội", đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.
Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân thành phố, trong tháng 1/2023, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 90.520 tỷ đồng, giảm 5,7% so với tháng trước. Nhìn chung, thành phố bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, không xảy ra biến động tăng giá.