NSƯT Nguyễn Tài Văn: "Tôi bị ám ảnh bởi những bối cảnh quay rác thải nhựa”

NDO - Là người từng thực hiện nhiều phim tài liệu, phóng sự về rác thải, ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm từ nhựa, đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tài Văn (Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam) vẫn không thể quên được những ám ảnh khi anh thực hiện bộ phim “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu” vừa ra mắt.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn (quàng khăn). (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tài Văn (quàng khăn). (Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp)

Bộ phim tài liệu: “Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu” do đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tài Văn thực hiện đưa một bức tranh toàn cảnh về việc nhập khẩu phế liệu nhựa tại Việt Nam. Phim quay tại những nơi tập trung, xử lý rác thải nhựa lớn ở Việt Nam, như thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội…

Phim phản ánh một “đường đi” vô cùng nhức nhối đối với rác thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam, từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước “đổ” vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa. “Đường đi” này là một vòng tròn khép kín, gây nên bao hậu quả đối với môi trường, sức khoẻ của con người.

Đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tài Văn chia sẻ, anh và ê-kíp đã đầu tư thời gian, công sức hơn 2 tháng trời để thực hiện phim tài liệu này. Lý do là những hậu quả của rác thải nhựa đối với đời sống con người quá lớn, quá nguy hiểm nhưng dường như chưa nhiều người nhận ra và ý thức được.

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Dự báo đến năm 2030 khoảng 230.000 người mắc mới/năm.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tài Văn

“Điều ám ảnh nhất đối với một người làm phim khoa học như tôi là số liệu người mắc ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Người dân không hiểu nguyên nhân ô nhiễm môi trường là một trong những sát thủ thầm lặng dẫn đến bệnh ung thư gia tăng theo cấp số nhân ở Việt Nam và trên thế giới. Đó là những ám ảnh về góc độ khoa học mà tôi may mắn làm việc trong lĩnh vực này nên có điều kiện tìm hiểu sâu sắc, vì vậy mà tôi mong muốn làm nhiều chương trình để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến những thông điệp, những thông tin khoa học để người dân hiểu được mối nguy hại tiềm ẩn trong môi trường chung quanh họ mà họ không hề hay biết. Chỉ khi nó phát bệnh thì chúng ta mới tìm cách chạy chữa thì đã muộn”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn nói.

NSƯT Nguyễn Tài Văn: "Tôi bị ám ảnh bởi những bối cảnh quay rác thải nhựa” ảnh 1
Rác thải nhựa trên biển. (Cảnh trong phim)

Đạo diễn cũng chia sẻ những cảm giác ám ảnh của anh khi thực hiện bộ phim: “Chúng tôi ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác lớn nhất miền bắc là bãi Xuân Sơn ở Sóc Sơn, nơi tập kết đủ thứ rác thải, đồ ăn thừa của cả thành phố. Trước khi ban quản lý phun thuốc và xử lý theo quy trình, những người dân nghèo chấp nhận mưu sinh bằng nghề ve chai phải dậy từ 2 giờ sáng đợi mở cổng và họ thi nhau đổ ra bãi rác để bới túi nilon, chai nhựa… Để có được những cảnh đó, chúng tôi đã phải chờ trực ở bãi rác, rồi ghi hình từ 2 đến 7 giờ sáng. Mặc dù ê-kíp đã trang bị bảo hộ lao động nhưng mùi ở bãi rác ám rất nặng, vào tận trong tâm trí, trong khứu giác. Sau khi về nhà, có tắm đi tắm lại vẫn có cảm giác bị ám mùi, không hết được mùi”.

Những nhân vật trong phim cũng để lại cảm giác ám ảnh sâu sắc đối với đạo diễn và ê-kíp làm phim. Đạo diễn Nguyễn Văn Tài kể lại: Có một trường đoạn mà chúng tôi quay ở ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất ở miền bắc là thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Một ngôi làng có hơn 40 năm làm tái chế, những gì không tái chế được họ vứt ra xung quanh làng. Có một khu nghĩa trang gần làng, rác thải nhựa không đốt được họ chất cao như núi che lấp hết những ngôi mộ của người chết, cứ tối đến là họ lại đốt rác, những luồng khói đen kịt bị gió đưa ngược về ngôi làng đó và những vùng xung quanh. Trong một buổi lang thang trong làng để ghi hình người dân phân loại rác thải nhựa, tôi tình cờ quay được cụm cảnh 2 vợ chồng đang làm việc, phía sau là một cô gái tầm hơn 10 tuổi chơi đùa, tóc rũ rượi múa với đống phế liệu nhựa đang được phân loại.

"Ban đầu tôi cũng không ấn tượng nhiều nhưng càng ngồi quay tôi càng thấy biểu hiện của cô bé thật không bình thường. Hỏi ra mới biết cháu bị ảnh hưởng từ khi mẹ mang thai. Bác sĩ đã khuyên vợ chồng họ sàng lọc và bỏ trước khi sinh, nhưng vì gia đình theo đạo nên muốn giữ cháu lại nuôi. Và, kết quả là chúng tôi có một trường đoạn cô bé múa ba lê với rác thải nhựa mà đến giờ nghĩ đến tôi vẫn còn ám ảnh", đạo diễn cho biết.

NSƯT Nguyễn Tài Văn: "Tôi bị ám ảnh bởi những bối cảnh quay rác thải nhựa” ảnh 2

Cảnh trong phim.

Đó cũng chính là lý do Nguyễn Tài Văn bỏ rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí không để ra được đồng nhuận bút nào, để đầu tư cho các tác phẩm về đề tài môi trường, nhằm hướng mọi người tới một ý thức sống văn minh hơn với chất thải nhựa.

“Khi bắt tay vào một đề tài mới, tôi nghĩ mình có cơ hội nâng cao vốn hiểu biết, từ đó có được những kiến thức cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình. Để rồi từ đó, tôi có thể chuyển tải rộng rãi những thông tin thiết thực đến với số đông chưa biết, để họ hiểu đúng và hiểu sâu, để họ có động lực hành động nhằm nâng cao môi trường sống. Làm phim là công việc hấp dẫn, khi tôi có thể góp phần rất nhỏ giúp cuộc sống này tốt đẹp hơn” - đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tài Văn nói.