Những tác phẩm tiêu biểu của các danh họa về Điện Biên Phủ

Cuộc chiến gần 60 ngày đêm ở Điện Biên Phủ đã trở thành cảm hứng để các họa sĩ cho ra đời những tác phẩm mà sau này trở thành tiêu biểu cho một giai đoạn của hội họa nước nhà. Nhiều bức trong số đó do các danh họa thực hiện, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ đã ghi lại những hình ảnh chân thực nhất từ những trải nghiệm thực tế, những chuyến tham gia chiến dịch, đứng vào hàng ngũ những người lính Điện Biên…

Tranh sơn mài "Đường lên Điện Biên" của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Tranh sơn mài "Đường lên Điện Biên" của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng)

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang lưu giữ nhiều tác phẩm hội họa đỉnh cao của các danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương về đề tài Điện Biên Phủ và vùng Tây Bắc. Trong số đó có bảo vật quốc gia, bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng.

Bức “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được Nguyễn Sáng sáng tác năm 1963, bằng chất liệu sơn mài. Ngoài giá trị văn hóa, thẩm mỹ, tác phẩm được đánh giá cao nhờ giá trị lịch sử.

Bức tranh ghi lại khoảnh khắc một buổi kết nạp Đảng ở ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa ghi rõ: “Bức tranh là tác phẩm dựng lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính/phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một người trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm.

Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh.

Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Bức tranh có thể xem là bản hùng ca của dân tộc giai đoạn kháng chiến chống Pháp, là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng cao cả”.

Ở tác phẩm, nét đặc sắc là hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được họa sĩ Nguyễn Sáng khắc họa bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc.

Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Sáng đã mất 9 năm để ấp ủ và hoàn thành tác phẩm này.

Tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" được công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2013, hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

"Điện Biên năm ấy" của họa sĩ Cao Trọng Thiềm.

"Điện Biên năm ấy" của họa sĩ Cao Trọng Thiềm.

Tranh "Giặc đốt làng tôi" của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Tranh "Giặc đốt làng tôi" của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Giặc đốt làng tôi (Nguyễn Sáng)

Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất, không chỉ đối với sự nghiệp hội họa của Nguyễn Sáng, mà với cả nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, và cũng là một trong số hiếm hoi những tranh sơn dầu còn sót lại của thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Bức tranh đã được họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ tại thị xã Tuyên Quang, trong một căn nhà của Ty Thông tin, sau khi ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Về lý do ra đời của bức tranh, trong bài “Sáng tác tranh Giặc đốt làng tôi”, Nguyễn Sáng đã viết: “… Ngày ngày bom na-pan của địch dội xuống. Chiến dịch cuồn cuộn, óc tôi lúc nào cũng tưng bừng, hình ảnh Tây Bắc tươi đẹp, của người Tây Bắc hiền lành, của những cuộc sống bị chà đạp cơ cực. Tôi thấy tôi có nhiệm vụ phải tố cáo những hành động dã man của giặc, kêu gọi bộ đội căm thù tiến lên đòi lại đất nước tươi đẹp Tây Bắc, đòi lại đời sống yên lành, thơ mộng của người dân Tây Bắc”.

“… Hình ảnh những thôn bản cháy rụi, những người dân hiền lành tôi yêu như ruột thịt, hình ảnh bộ đội ta nườm nượp ngày đêm kéo đi như nước, nhảy múa trong đầu – Nguyễn Sáng viết tiếp – Tôi mải miết vẽ từ sáng sớm cho đến chiều nhọ mặt người, có khi quên cả ăn. Đêm không vẽ được người bứt rứt khó chịu. Nhiều lúc tôi có ý muốn kỳ lạ, chỉ muốn mặt trời không lặn hai ba ngày liền để tôi có thể vẽ liên tục. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tôi lúi húi dậy thắp đèn soi từng mặt người trên tranh. Lại nhớ những ngày Tây Bắc… Tôi thấy bất mãn với tôi. Diễn đạt chưa đúng, chưa sâu, chưa xứng đáng những lời gửi gắm của đồng bào Tây Bắc. Tôi lại xóa đi vẽ lại một anh bộ đội, tôi vẽ đi vẽ lại đến gần hai chục lần. Làm sao phải nói lên được tình cảm anh bộ đội vừa căm thù giặc vừa yêu thương đồng bào”.

Bức tranh “Giặc đốt làng tôi” được coi là sáng tác sơn dầu có kích thước lớn và hoàn chỉnh nhất của họa sĩ Nguyễn Sáng trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn, thiếu thốn.

Năm 1996 họa sĩ Nguyễn Sáng đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt I cho tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”. Tranh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

"Phố trụi" của Tô Ngọc Vân.

"Phố trụi" của Tô Ngọc Vân.

Hành quân, tranh Nguyễn Sỹ Ngọc.

Hành quân, tranh Nguyễn Sỹ Ngọc.

"Gặp nhau" của Mai Văn Hiến.

"Gặp nhau" của Mai Văn Hiến.

Gặp nhau (Mai Văn Hiến)

“Gặp gỡ” mô tả một khoảnh khắc yên bình trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh mô tả cuộc gặp tình cờ giữa một chiến sĩ súng quàng vai, ba lô, bao đạn quấn quanh người và một cô gái dân công tiếp tế đạn dược cho chiến trường, quang gánh còn ở trên vai. Họ là người làng của nhau, bất chợt gặp nhau trên một bãi nghỉ chuyển quân. Trong cái không khí nhộn nhịp này, họ nhận ra nhau vội vàng, hối hả.

Từ xưa, trong nghệ thuật thế giới, người ta đã từng khen về những cái đẹp trong sự buông bút giữa chừng, “còn chưa xong” (inachevé). Những mảng màu, những nét “chưa xong” mà gợi cảm ấy, là yếu tố đặc trưng trong bức tranh “Gặp nhau”. Bút pháp tranh “Gặp nhau” cũng chứng tỏ tác giả đã nắm rất chắc tính năng riêng biệt của chất liệu bột mầu. Tôi còn theo dõi những bức tranh sáng tác thành công của Mai Văn Hiến về sau này (Những lời dạy bảo, Trước giờ ra thao trường, Bướm dọc đường) nhưng chẳng bao giờ thấy anh còn có thể vẽ nhanh được như thế.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm

Theo họa sĩ Phạm Thanh Tâm, ông chứng kiến họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ bức tranh này ở một nhà dân tại Đại Từ, Thái Nguyên vào năm 1954. Khi đó, họa sĩ vẽ rất nhanh, chỉ trong khoảng 10 phút, với hình mẫu là cô con gái ông chủ nhà.

“Thế rồi một buổi trưa ngủ dậy, tôi thấy anh dở cuốn giấy ra, lấy một tờ trắng, căng trên tấm bảng gỗ, bảng vẽ đặt trên đất, dựa vào cột nhà. Anh lại mở cái cặp vẽ dầy đầy tài liệu ra tìm tòi, chọn lọc. Tôi quan sát, anh bắt đầu nguệch ngoạc mấy nét lớn bằng chì, rồi anh lên bột màu mấy mảng, mấy nét rất nhạt, rất mỏng. Và cứ thế anh đắp dầy lên dần dần” – họa sĩ Phạm Thanh Tâm kể.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm cũng nhận xét, bức họa rất đặc biệt, vì không khí lịch sử, tâm trạng của họa sĩ thời điểm ấy. Mai Văn Hiến đã đặt cả tình yêu nước, kháng chiến của mình hòa nhập với nhiều người mẫu thực, đời thường mà ông đã gần gũi trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ để rồi tập trung vào nhân vật trong tranh.

Bức tranh “Gặp nhau” đã được trao giải nhì trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954.

Các tác phẩm ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những nghệ sĩ lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và có những bức tranh ký họa dọc đường, sau này trở nên nổi tiếng.

Ký họa "Chuẩn bị đi chợ" của Tô Ngọc Vân.

Ký họa "Chuẩn bị đi chợ" của Tô Ngọc Vân.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đầu tháng 4/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân lên đường đi Điện Biên Phủ vẽ cảnh tiền tuyến, phong cảnh Tây Bắc. Trong thời gian này, ông đã cho ra đời nhiều bức tranh phản ánh hơi thở của cuộc sống kháng chiến được ra đời như: “Qua đèo”, “Cho ngựa ăn”, “Qua suối”, “Trú quân”, “Giáo viên dân tộc Thái” …

"Cho ngựa ăn", ký họa của Tô Ngọc Vân.

"Cho ngựa ăn", ký họa của Tô Ngọc Vân.

Ngày 17/6/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 40 ngày, Tô Ngọc Vân cùng hai họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Ngọc trở lại chiến trường Điện Biên Phủ chép những tài liệu thực tế để chuẩn bị sáng tác những tác phẩm lớn về chiến thắng lịch sử này.

"Đèo Lũng Lô", ký họa màu nước của Tô Ngọc Vân.

"Đèo Lũng Lô", ký họa màu nước của Tô Ngọc Vân.

Tại địa điểm lịch sử đèo Lũng Lô, ông đã sáng tác bức tranh “Đèo Lũng Lô”, và chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi vẽ, họa sĩ đã hy sinh vì bom của quân Pháp. Chiếc ba lô và ống bương đựng rất nhiều tranh ký họa chiến trường của họa sĩ được trao lại cho nhà văn Nguyễn Đình Thi, khi ông đưa đoàn làm phim Liên Xô lên Điện Biên Phủ. Đó là những kỷ vật cuối cùng của danh họa Tô Ngọc Vân.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

"Kéo pháo lên Điện Biên", tranh Trần Đình Thọ.

"Kéo pháo lên Điện Biên", tranh Trần Đình Thọ.

Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Dương Hướng Minh)

Bức tranh “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” được coi là một trong những tác phẩm sơn mài tiêu biểu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Họa sĩ Dương Hướng Minh (tên thật là Nguyễn Văn Tiếp) đã vẽ bức tranh này vào năm 1960, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc.

"Tô Vĩnh Diện chèn pháo", tranh Dương Hướng Minh.

"Tô Vĩnh Diện chèn pháo", tranh Dương Hướng Minh.

Họa sĩ Dương Hướng Minh chưa từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, mà chiến đấu ở rừng Sác lúc chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra. Khi có ý định thực hiện bức tranh, ông đã đi thực tế Điện Biên Phủ nhưng vẫn bí ý tưởng. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho họa sĩ mượn các chiến sĩ bộ đội ở sân bay Bạch Mai làm mẫu phác thảo. Bức tranh ra đời và trở thành một trong những tác phẩm nổi bật về đề tài Điện Biên Phủ.

Họa sĩ Dương Hướng Minh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2017 với hai tác phẩm "Tô Vĩnh Diện chèn pháo" và "Kéo pháo ở Điện Biên Phủ".

Hành quân, tranh Nguyễn Sỹ Ngọc.

Hành quân, tranh Nguyễn Sỹ Ngọc.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ một số tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng về đề tài Điện Biên Phủ và Tây Bắc, như “Đẩy pháo” của Phạm Thanh Tâm, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ, “Tiếng hát mùa chiến dịch” của Mai Văn Hiến, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh... Những tác phẩm của các họa sĩ không chỉ ghi lại chân thực những khoảnh khắc của quân và dân ta trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mà còn cho thấy những góc nhìn đầy cảm xúc về vùng đất, con người và tinh thần chiến đấu anh dũng của những người làm nên lịch sử.

Ngày xuất bản: 2/5/2024
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH, VIỆT ANH
Nội dung và trình bày: TUYẾT LOAN