Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng

NDO - Trong khuôn khổ chương trình “Sắc màu văn hoá các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội, các nghệ nhân người Nùng An đã tái hiện lại nghề làm hương Phia Thắp truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng

Làng hương Phia Thắp tọa lạc tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng là một trong những làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển hơn 100 năm. Với sự gắn bó lâu dài, nơi đây đã trở thành biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Nùng An - một nhóm dân tộc địa phương tại tỉnh Cao Bằng.

Hương Phia Thắp là sản phẩm được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên trong vùng miền núi đá vôi. Người Nùng An sử dụng cây mai, còn được gọi là "mạy mười" trong tiếng Tày để tạo que hương.

Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng ảnh 1

Điểm đặc biệt của hương Phia Thắp là quá trình sản xuất hoàn toàn thủ công mà không sử dụng hóa chất. Nguyên liệu chính là lá cây "bầu hắt" được thu hái từ rừng tự nhiên.

Theo quan niệm của người dân địa phương, chỉ có cây rừng tự nhiên mới mang lại mùi hương đặc trưng nhất. Lá cây "bầu hắt" sau khi được thu hái về được phơi khô, nghiền nhỏ và trộn lẫn với mùn cưa, được lựa chọn từ các cây gỗ thân mềm để bảo đảm hương cháy tốt nhất.

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân người dân tộc Nùng đã tái hiện đầy đủ quy trình sản xuất hương Phia Thắp.

Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng ảnh 2

Nghệ nhân trình diễn làm hương.

Đầu tiên, để làm được que hương, bà con phải vào rừng tìm hái lá cây bầu hắt. Loại cây này chỉ mọc tự nhiên bên những vách đá. Đây là nguyên liệu để tạo nên chất keo dính - thành phần không thể thiếu khi làm hương. Lá bầu hắt đem về được phơi khô khoảng ba ngày, sau đó tán nhỏ để làm keo. Trong khoảng thời gian chờ khô lá thì bà con sẽ làm chân hương.

Tiếp theo, chân hương thường được bà con Nùng An làm từ tre mạy mười có gióng dài hoặc cây mai, vừa thẳng, vừa dẻo lại dễ bắt lửa. Tất cả các công đoạn chẻ mai, vót nhỏ đều được làm hoàn toàn bằng tay. Những que mai tròn đều, thẳng tắp không khác gì làm bằng máy.

Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng ảnh 3

Sau đó, cây hương được nhúng vào lớp keo lá và rắc bột mùn cưa lên. Mùn cưa được chọn từ cây tràm và cây mạy khảo, được người dân thu hái từ trước một năm để cho mùn cưa đạt chất lượng tốt nhất.

Khác biệt với các làng nghề làm hương khác tại Việt Nam, ở Phia Thắp, que hương được nhuộm đỏ sau khi hương đã được làm xong bằng lá cây “chăm che” trồng quanh nhà. Đặc biệt, việc phơi hương chiếm thời gian lâu nhất trong quy trình sản xuất. Người Nùng An tận dụng mọi vị trí trống để phơi hương, từ cánh đồng lúa sau khi thu hoạch đến con đường và dưới chân nhà sàn trong các khay bằng đá. Nếu thời tiết thuận lợi, hương chỉ cần một ngày để khô, nếu không thì có thể mất đến ba ngày. Mỗi que hương được cắm tỉ mẩn trên các khay nhỏ, xếp đều thành hình tròn để tránh bị dính lại với nhau.

Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng ảnh 4

Du khách trải nghiệm nghề làm hương của người Nùng An.

Nghệ nhân Vương Thị Cậy cho biết: “Nghề làm hương của người đồng bào dân tộc Nùng đã có từ lâu đời, được ông cha truyền lại cho các con cháu, bố mẹ làm rồi các con lớn lên làm theo. Chúng tôi làm ra thành phẩm này để thờ cúng tổ tiên trong dịp đặc biệt như lễ tết, tảo mỗ, mồng một hoặc ngày rằm. Chúng tôi rất tự hào vì đã giữ gìn và bảo tồn được làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, nghề làm hương không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định cho người Nùng làng Phia Thắp mà còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của đồng bào”.

Khi tham gia và trải nghiệm nghề hương làng Phia Thắp, anh Nguyễn Ngọc Long (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được biết người dân tộc Nùng có làng hương truyền thống, trải nghiệm này thực sự rất thú vị".

Nghề làm hương không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân làng Phia Thắp. Bên cạnh đó, du khách khi đến đây còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống, hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An.