Nông nghiệp trong dòng chảy hội nhập

Kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra ba chương trình kinh tế lớn, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định vị trí đặc biệt của nông nghiệp với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, phát huy triệt để vai trò chủ động của hộ nông dân, phấn đấu đưa nông nghiệp nước ta trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn đã đi vào cuộc sống. Những hiệu quả thiết thực đã giúp thay đổi một cách cơ bản bộ mặt nông nghiệp Việt Nam.

Thu hoạch lúa chiêm ở huyện Kiến Xương (Thái Bình).
Thu hoạch lúa chiêm ở huyện Kiến Xương (Thái Bình).

Điểm sáng từ bản làng

Từ thành phố Plây Cu xuôi theo quốc lộ 19 tầm khoảng 20 km về phía bắc, chúng tôi đến huyện lỵ trung tâm Đác Đoa (tỉnh Gia Lai). Tiếp tục đi theo quãng đường dài gần chục cây số đầy bụi đỏ về phía nam mới tới được Glar, một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Gia Lai. Với hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, cách đây 15 năm (2004), nơi đây từng là điểm nóng của huyện Đác Đoa nói riêng và Gia Lai nói chung. Từ sau khi xây dựng thành công xã NTM, thu nhập của người dân tại địa bàn được cải thiện. Kinh tế truyền thống, kinh tế tập thể đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Khoảng mười năm nay, những khung cửi của bà con người Ba Na ở xã Glar hoạt động trở lại. Hiện sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar đã có mặt khắp các tỉnh Tây Nguyên.

Chính những thay đổi âm thầm, nhưng liên tục này đã biến Glar trở thành một trong những điểm sáng trong hàng nghìn điểm sáng của phong trào xây dựng NTM. Đến nay, cả nước đã có 3.069 xã (34,4%) đạt chuẩn NTM và chỉ trong giai đoạn 2010 - 2017, toàn xã hội đã huy động được khoảng 1.672.250 tỷ đồng để tạo nên những “Glar mới” trên mọi miền đất nước…

Nền nông nghiệp hội nhập

Trở lại với câu chuyện cũ. Sau nhiều thử nghiệm, đổi mới bằng các nghị quyết trong thời gian gần hai thập kỷ (tính từ thời điểm Đại hội VI, tháng 12-1986), Nghị quyết số 26-NQ/TW ban hành tháng 8-2008, xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, nền nông nghiệp nước ta đã bước vào một thời kỳ phát triển mới, có những thay đổi toàn diện.

Trước hết, chúng ta đã thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nông nghiệp duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên (năm 2008 chỉ có năm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên). Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông - Nam Á và thứ 15 thế giới.

Về nông dân, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm nhanh, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn 8%; Doanh nghiệp nông nghiệp tăng về số lượng từ 2.397 năm 2007 lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần); nhiều doanh nghiệp trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao.

Để phát triển bền vững

Thực tiễn hơn ba thập kỷ đổi mới và phát triển nông nghiệp cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để những chặng đường kế tiếp “hanh thông”.

Chính sách về huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thật sự đủ mạnh. Đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết. Nhìn nhận về vấn đề này TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế và chính sách nông nghiệp cho rằng, thời gian qua chúng ta đã có nỗ lực lớn, nhưng mức thu hút ngân sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt kế hoạch, kèm theo đó mức đầu tư của xã hội, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp chỉ có 1% trực tiếp làm nông nghiệp, còn đầu tư nước ngoài thì không đáng kể. Câu chuyện về vốn, nhất là đầu tư công phải được tính toán một cách thích hợp, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp, không để thực trạng một ngành nông nghiệp đóng góp 17% GDP, 25% xuất khẩu, 70% dân số sống ở nông thôn, 48% số lao động ở nông thôn nhưng chỉ có 5% đầu tư toàn xã hội cho khu vực nông nghiệp. “Nếu đối xử với nông nghiệp một cách đúng đắn, công bằng, khôn khéo, sự phát triển của đất nước chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều”- ông Sơn nhấn mạnh.

Sau ba mươi năm, đến nay, Việt Nam không chỉ là một trong những cường quốc về xuất khẩu nông sản, mà lĩnh vực nông nghiệp đã có những thay đổi thần kỳ...

Thời gian tới, nền nông nghiệp Việt Nam trong quá trình tự nâng mình và hội nhập quốc tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để giải được bài toán phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, cần những cách làm mới, sáng tạo hơn, trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm từ thực tế, đồng thời không quên tận dụng những cách làm hay, hiệu quả từ các địa phương điển hình và bạn bè quốc tế.