Cây đàn ghi-ta của Bí thư Tỉnh ủy

Nói được và làm được, ông đã làm cho các nhà đầu tư tin tưởng rằng, sự chân thành, đoàn kết, tư duy cùng phát triển giữa địa phương và các nhà đầu tư là điều quan trọng để hợp tác, cùng hướng về dân, lo cho dân. Và tâm hồn nghệ sĩ của ông giúp nhà đầu tư, Nhà nước, nhà nông gần nhau qua điệu đàn, tiếng hát. Ông là Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang (bên phải) tặng đàn ghi-ta cho một nhà đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang (bên phải) tặng đàn ghi-ta cho một nhà đầu tư.

Quà quý tặng bạn hiền

Đêm bên sông Vàm Cỏ Đông. Tiếng ghi-ta réo rắt, giọng nam vừa đệm đàn vừa hát làm người nghe thấm thía từng giọt đời! Những người nông dân ven con sông êm đềm này vốn dĩ chỉ cần vậy. Nhưng người sành ghi-ta biết rõ nhạc cụ này được làm từ loại gỗ chất lượng tốt bởi âm thanh vang và ấm và người chơi cũng phải kỳ công, bảo quản đàn tốt. Chủ cây đàn kể: “Lúc ba tôi làm Tổng Biên tập Báo Tây Ninh thì tôi vào đại học. Hôm đó ba lãnh một khoản nhuận bút rất khá, thưởng tôi hai chỉ vàng. Tôi lặn lội từ quê lên TP Hồ Chí Minh để mua đàn. Nó có giá bằng chiếc xe máy. Cây đàn đã theo tôi từ đó đến bây giờ…”.

Ấy vậy mà trong cuộc nói chuyện với các đồng chí là lãnh đạo Tỉnh ủy Tây Ninh tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Tây Ninh ngày 9-10 vừa qua, người viết bài đã nghe ông nói: “Ngày mai Giám đốc Công ty CP Xuyên Á khởi công dự án bệnh viện hơn 1.250 tỷ đồng. Người ta giàu quá, biết tặng cái gì cho phải đạo đây. Tôi suy nghĩ kỹ rồi, tôi tặng ổng cây đàn kỷ niệm. Đàn quý nhưng mua cây khác được. Nhà đầu tư tâm huyết bỏ đi, làm sao kéo về”. Ngay hôm sau, ông tặng cây đàn thân thương của mình cho ông Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuyên Á. Trong hàng trăm quan khách hôm ấy, chỉ một số người, trong đó có ông Châu biết rõ giá trị của cây đàn. Ông Châu nói: “Để có giấy phép đầu tư công trình này, tôi chỉ đợi có 81 ngày, so với hàng năm trời nếu đầu tư nơi khác. Hôm trao giấy phép là thứ bảy, đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đến trao tận tay. Hôm nay, tôi hứa với lãnh đạo tỉnh là công trình sẽ hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11. Tôi xúc động với món quà của người bạn tâm giao nên đang bàn với cổ đông có thể đầu tư thêm một bệnh viện quy mô trên ngàn tỷ nữa, ở phía bắc tỉnh Tây Ninh”.

Người tặng đàn nói riêng với tác giả, rằng: Chiếc đàn trao đi, là trao sự tin cậy, để nhận về, những gì có lợi cho nhân dân.

Người quê chỉ có tấm lòng

Sau bận đó, ông sắm lại cây ghi-ta mới, luôn bỏ trong cốp xe. Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông đàn, hát, tiếp đón các nhà đầu tư. Ý thức được thực trạng còn khó khăn của Tây Ninh, ông tâm tình: Tây Ninh ở sát biên giới, kinh tế chưa phát triển, hệ thống giao thông chưa kết nối với các tỉnh, hơn 70% dân số là nông dân nên Đảng bộ tỉnh luôn khát khao tìm ra thế mạnh để bứt phá, không trùng lắp với các địa phương trong vùng. Vì thế các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực và cả tôi đều phải căng mình ra tiếp khách. Người quê chỉ có tấm lòng mà, đã ngồi lại với nhau rồi, đồng điệu là đem đàn ra hát vài câu, càng thêm phần gần gũi.

Cây đàn ghi-ta của Bí thư Tỉnh ủy ảnh 1

Khai trương Coopmart Phước Đông, Tây Ninh.

Trong những dịp tiếp xúc với nhà đầu tư là Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh-Saigon Co.op, người viết có hỏi chuyện về “hiện tượng” Tây Ninh khi mà có tới sáu siêu thị Co.opmart (chỉ ít hơn TP Hồ Chí Minh), quy mô hơn nghìn tỷ đồng tại đây. Câu trả lời là vì “chúng tôi thấy được sự đoàn kết, Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay các sở, ngành đều một lòng quyết tâm đưa hàng hóa nông sản của Tây Ninh đến được với người tiêu dùng cả nước, nên chúng tôi cũng quyết tâm đầu tư”.

Sau Đại hội 10 của Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy quyết tâm không “giấu dốt” nên đến Đại học Fulbright Việt Nam tìm thầy, nhờ phân tích lợi thế, chỉ hướng đi. Đại học Fulbright đã mở lớp đào tạo tại chỗ cho tất cả Tỉnh ủy viên và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm lớp trưởng, kiêm nhiệm việc điểm danh. Từ lớp học này, cùng các hội thảo quốc tế về nông nghiệp diễn ra tại Tây Ninh, đã mở ra cơ hội để Chính phủ đồng ý với lộ trình của địa phương, ủng hộ chủ trương “lấy Tây Ninh làm thí điểm cho ngành nông nghiệp”. Tây Ninh đã hình thành 12 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn công nghệ cao kiểu mẫu cho nông dân học tập gồm: mãng cầu VietGAP, bưởi da xanh, chuối già xuất khẩu, rau trong nhà kính, lan cắt cành, dứa Queen. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 14,8%.

Nói được và làm được

Tìm ra con đường riêng rồi, ông lại lo: “Nói thì dễ, làm mới khó. Cả Thường trực Tỉnh ủy băng qua sông Vàm Cỏ Đông, đến Long An xem mô hình nhà máy chế biến nông sản hiện đại công nghệ Mỹ”. Ông kể chuyện với giọng điệu phấn chấn. Sau những chuyến đi như thế, tỉnh Tây Ninh tập trung nguồn lực quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, đồng thời bảo đảm cho nông dân được thí điểm ký kết hợp đồng bao tiêu với nhà máy ở Long An.

Từ năm 2016, nông dân Tây Ninh đã tiến hành trồng chanh dây và khóm (dứa) tại Tây Ninh theo đơn đặt hàng, sau đó bán 100% sản lượng cho nhà máy ở Long An. Có quy hoạch, có lòng tin của người trồng rồi, người chơi đàn ghi-ta này lại “dấn” thêm một bước khi mong muốn có một nơi bảo đảm đầu ra cho nông sản Tây Ninh ngay tại đất Tây Ninh. Bằng nhiều cách, họ đã vận động doanh nghiệp từ Long An, nhờ ngân hàng hỗ trợ vốn cho nhà máy để rồi chỉ sau thời gian rất ngắn, Nhà máy Tanifood chế biến rau, quả, cây ăn trái hiện đại ở châu Á, có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày đã hoạt động. Nhà đầu tư Phạm Ngô Quốc Thắng vui vẻ kể: “Tôi nhớ rõ lời lãnh đạo tỉnh cam kết, nhớ từng bài hát hai bên cùng ngân nga khi đã “tâm đầu ý hợp”.

Anh tin không, chỉ 60 ngày sau khi được giao đất đến động thổ, chúng tôi đã có giấy phép đầu tư. Chúng tôi đầu tư 1.800 tỷ đồng, Tây Ninh đứng ra “môi giới” để ngân hàng cho chúng tôi vay thêm. Vì thế, chúng tôi phải tìm đầu ra cho bà con, đó là mệnh lệnh từ trái tim”. Ðể tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy Tanifood, trước mắt cần khoảng 10 nghìn héc-ta đất trồng cây nguyên liệu. Hiện tại, chính quyền đã “làm chứng” để nhà máy này ký kết bảo đảm đầu ra cho hầu hết hộ nông dân. Các bên đều áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và giống, theo quy trình hiện đại. Tanifood đang đào tạo nông dân thực hành sản xuất, giúp nông dân hiểu và có trách nhiệm với các sản phẩm do chính họ làm ra và giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Tỉnh có nhiều nhà máy như thế, các nhà đầu tư phải cạnh tranh công bằng, bà con nông dân là người hưởng lợi.

Người đàn ông chơi ghi-ta khẳng khái: “Phải vì dân. Nói được, làm được, khó cũng phải làm cho được, tức là thực hiện thắng lợi các nghị quyết. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi thấy bà con nông dân hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình, phải không nhà báo?”.

Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Tây Ninh đã thu hút 28 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng vốn 1.940 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 39,9 triệu đồng/người (tăng 15,5 triệu đồng/người so với năm 2012).