Đường đến chính quyền số

Quảng Ninh mới đây đã trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng quốc tế ở hạng mục “Chính phủ số xuất sắc”. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực trong việc áp dụng công nghệ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Khu hành chính tỉnh Quảng Ninh.
Khu hành chính tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, làm sao để câu chuyện của một tỉnh lan tỏa đến các tỉnh, thành phố còn lại, là một câu hỏi khó giải.

Từ câu chuyện của một tỉnh

Đầu tháng 11 vừa rồi, Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) đã trao giải thưởng quốc tế mang tên ASOCIO 2018 cho tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Trước đó, tại Hội nghị Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao và chọn mô hình chính quyền điện tử của Quảng Ninh làm nền tảng để xây dựng mô hình chính quyền điện tử quốc gia. Đáng chú ý, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) triển khai. Đó là một tín hiệu đáng mừng về việc Việt Nam có khả năng tự thiết kế và triển khai mô hình hệ thống Chính phủ điện tử cho mình.

Nhìn lại quá trình cải cách quản lý nhà nước, trước Quảng Ninh, Hải Phòng từng là địa phương tiên phong xây dựng mô hình “một cửa” tại quận Ngô Quyền, thu hút nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm.

Nhưng phải hơn chục năm sau, vào cuối năm 2018, Hải Phòng mới ban hành được văn bản lấy ý kiến đóng góp để quyết định chọn nền tảng xây dựng mô hình chính quyền điện tử của thành phố. Tức là địa phương này sẽ còn phải nỗ lực thêm nhiều năm để có được mô hình chính quyền điện tử.

Đến sự chuyển động cấp quốc gia

Thế nào là Chính phủ điện tử? Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đó là các cơ quan Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin, truyền thông để tương tác với công dân, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xã hội.

Việt Nam đang trong thời gian xây dựng mô hình Chính phủ điện tử. Nhưng tại nhiều nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng mô hình Chính phủ số - bước phát triển cao hơn của mô hình Chính phủ điện tử. Trong mô hình Chính phủ số, toàn bộ dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của Chính phủ được tích hợp và thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bộ máy vận hành…

Chính phủ số cho phép nâng cao hơn nữa tính minh bạch và khả năng tương tác giữa người dân, DN với chính quyền.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh là một trong số các địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 100% số thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Tỉnh này đang hướng tới kết nối toàn bộ các trang web thành phần trên nền tảng dữ liệu lớn về hành chính, dân cư, các số liệu thống kê, tài chính,… để hình thành mô hình Chính phủ số tại tỉnh. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương của Việt Nam, việc triển khai, thậm chí là mô hình, Chính phủ điện tử vẫn còn quá chậm.

Công bằng nhận xét, Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong việc sớm hình thành Chính phủ điện tử, tiền đề của Chính phủ số. Nhưng đáng tiếc, công việc này chỉ được đẩy mạnh trong khoảng hai năm gần đây và thực ra cho tới giờ, kết quả là chưa rõ ràng, và cũng chưa thật sự đồng đều.

Cho đến gần đây, Chính phủ mới có kế hoạch thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, để hướng đến Chính phủ số. Tương tự, ở nhiều địa phương, việc ký kết triển khai thành phố thông minh với các hãng công nghệ hàng đầu quốc gia đã được tiến hành. Nhưng nhìn trên bình diện chung, thì những nỗ lực xây dựng thành phố thông minh của các địa phương còn ít, nhất là chưa thấy được sự thống nhất về nền tảng công nghệ để đặt nền móng cho việc hình thành sự thống nhất của hệ thống quốc gia sau này.

Chẳng hạn, FPT, Viettel, VNPT… là những DN công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay, và cũng là những DN chủ chốt được chọn xây dựng mô hình thành phố thông minh, đô thị thông minh cho các địa phương. Nhưng các hãng công nghệ này cũng cạnh tranh với nhau, và vì thế quá khó để nền tảng công nghệ do các hãng này xây dựng cho các địa phương có thể đạt tới tính đồng nhất, thuận tiện cho các địa phương trong việc liên thông và kết nối toàn quốc. Nói cách khác, chính sự nhanh nhạy của các địa phương trong áp dụng nền tảng công nghệ đang có nguy cơ làm giảm hiệu quả của Chính phủ điện tử, trong tư cách một hệ thống kết nối chung cho cả nước.

Vậy nên, lúc này cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình Chính phủ điện tử để từ đó nâng cấp lên thành mô hình Chính phủ số tại Việt Nam. Đó là cả một hành trình dài chứ không phải một tương lai trong chớp mắt.