Mùa vàng trên đất mặn

Cứ vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người dân ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại phải sống chung với mặn. Nước mặn theo các sông chính như: Vàm Cỏ, Xoài Rạp, Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên, Hậu… xâm nhập sâu vào đất liền có nơi lên đến 70 km.

Người dân sản xuất tôm - lúa ở Cà Mau.
Người dân sản xuất tôm - lúa ở Cà Mau.

Nhưng bằng sự cần cù bám đất, chủ động thích nghi trước biến đổi khí hậu (BĐKH), những người nông dân đã hồi sinh cả vùng đất khắc nghiệt .

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Sống chung với mặn, nông dân vùng ĐBSCL đã chọn cho mình mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm. Các nhà khoa học gọi đây là “Mô hình thích ứng với BĐKH”. Bạc Liêu là tỉnh tiên phong sản xuất mô hình này rất mạnh với diện tích gần 34.000 ha. Cà Mau đã nâng diện tích mô hình luân canh lúa - tôm lên 45.000 ha và chính thức xây dựng chương trình phát triển mô hình này. Các địa phương Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… cũng lựa chọn mô hình lúa - tôm để phát triển bền vững cho các xã ven biển. Sở dĩ các địa phương này lựa chọn mô hình lúa - tôm vì lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất chỉ kéo dài 4 đến 5 tháng trong năm (chủ yếu bằng nước trời) và một phần từ nguồn nước từ hạ lưu sông Mê Công đem lại. Các tháng còn lại trong năm, nước ở các con kinh, rạch đều mặn. Lúc nào nước mặn thì nuôi tôm, nước ngọt trồng luân canh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nông dân Huỳnh Văn Phó, ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) canh tác 4 ha tôm - lúa cười rổn rảng: “Ở đây, mô hình tôm - lúa không gì thay thế được. Câu chuyện bàn trà ngày Xuân của người dân vùng đất này là con tôm, con cá “ôm” gốc lúa. Hạt lúa trồng trên đất nuôi tôm rất thơm và sạch vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nước mặn và ngọt chảy về vùng đất này đúng quy luật thì nông dân sản xuất tôm - lúa ở huyện Hồng Dân đều giàu hết”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Toàn huyện Hồng Dân có hơn 23.000 ha đất nông nghiệp canh tác mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao. Qua 15 năm chuyển đổi sản xuất, từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm - lúa, đã giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Bình quân 1 ha đất canh tác tôm - lúa, sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân thu về lợi nhuận hơn 56 triệu đồng/ha/năm.

Vùng tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu đang đổi mới từng ngày vốn là địa danh cánh đồng Chó Ngáp. Trước năm 1975, nơi đây là cánh đồng hoang rộng mênh mông, nước mặn, phèn chua, mùa mưa cỏ dại mọc quá đầu người, mùa nắng thì đồng khô, cỏ cháy, đời sống người dân nghèo khó. Nhưng chuyện đó giờ đã xưa rồi! Đồng Chó Ngáp giờ đây đang khoác lên mình chiếc áo mới với những đồng lúa vàng óng, con tôm, con cá đặc sản mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân nơi đây.

Trên những cánh đồng nhiễm mặn, nhiễm phèn do tiếp giáp với Biển Đông ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), ít ai ngờ rằng đây là nơi có thể làm giàu với mô hình tôm - lúa. Là người đầu tiên áp dụng mô hình này tại địa phương nên ông Hà Văn Hải có nhiều kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng phó với BĐKH. Theo ông Hải, trên 5 ha đất canh tác của mình, gia đình thu về hơn 1,5 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm. Ông đang hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân chung quanh áp dụng mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao, làm giàu trên vùng đất khó. Tân Phú Đông hiện có 560 ha đất tôm - lúa, tập trung ở hai xã Phú Tân và Phú Đông. Từ những cánh đồng chỉ làm một vụ lúa trong năm, giờ đây, nhiều hộ nông dân sản xuất tôm - lúa quảng canh có thu nhập bình quân khoảng 180 triệu đồng/ha.

Mùa vàng trên đất mặn ảnh 1

Mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bến Tre.

Đưa khoa học vào ruộng đồng

Theo các nhà khoa học, để thích nghi với những tác động của BĐKH, cần chủ động áp dụng những giải pháp ứng phó. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng: “Tác động của BĐKH đã rõ, vấn đề là lựa chọn những mô hình thích nghi khi khí hậu không ngừng biến đổi. Việc người dân các tỉnh ven biển ở ĐBSCL lựa chọn mô hình luân canh lúa - tôm là hướng đi đúng”. Còn GS, TS Võ Tòng Xuân thì khẳng định: “Nước mặn cũng là tài nguyên, vấn đề là cần khai thác tốt nguồn tài nguyên này thay vì cứ mãi lo nước biển tràn vào vùng ngọt”.

Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước ngọt”, xây dựng công trình thủy lợi, tái cơ cấu sản xuất. Năm nay, gia đình ông Đỗ Văn Phương (ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) “ăn” Tết lớn nhờ thực hiện mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa. Ông cùng năm hộ dân tại địa phương được Dự án thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL, tỉnh Bến Tre hỗ trợ thực hiện mô hình ứng dụng kỹ thuật ép sấy trong làm thức ăn tự chế phục vụ nuôi tôm càng xanh toàn đực đạt hiệu quả cao. Ông Phương kể: “Với diện tích 3.800 m2, gia đình tôi thả 25.000 con giống, sau sáu tháng nuôi, thu hoạch lãi hơn 150 triệu đồng. So với cách nuôi trước, sau mỗi vụ thu hoạch tôm lại xuống giống lúa không sử dụng thuốc hóa học nên bảo đảm sản phẩm sạch”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập đánh giá: Bến Tre là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 120 của Chính phủ bằng việc đề ra định hướng phát triển thích ứng BĐKH. Thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy kinh tế biển với vùng nước lợ, mặn phát triển kinh tế thủy sản như: tập trung nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm - rừng, tôm - lúa...

Đồng thời, triển khai xây dựng hệ thống đê ven sông, hệ thống thủy lợi để bảo đảm phát triển nông nghiệp và theo quy hoạch của vùng ngọt, lợ, mặn.

Để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, các viện, trường ở ĐBSCL đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn và cho năng suất cao. Nhận thấy những tác động cực đoan của BĐKH, từ năm 2013 đến 2018, đội ngũ nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu lai tạo thành công hơn 10 giống lúa dòng OM và hàng chục giống lúa mới triển vọng, có khả năng chịu mặn ở mức 3 - 4%0 ở giai đoạn làm đòng và trổ hoa. Các giống lúa này được đưa vào trồng thử nghiệm tại các địa phương cho kết quả rất khả quan. Đây thật sự là những đóng góp không nhỏ của giới khoa học giúp người dân ở những vùng đất mặn có thể gặt hái những mùa vàng trong những năm tới.