Cho một nghề cá biển phát triển hiện đại và bền vững

Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, rà soát lại việc thực hiện sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cần xây dựng kịch bản cùng “tăng trưởng xanh” cho các ngành về biển, các khu công nghiệp và đô thị ven biển.
Cần xây dựng kịch bản cùng “tăng trưởng xanh” cho các ngành về biển, các khu công nghiệp và đô thị ven biển.

Với tiêu đề của Nghị quyết như nêu trên thì bền vững là hướng bao trùm khi đặt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho kinh tế biển lâu dài, với điểm nhấn phát triển nằm trong giai đoạn đến năm 2030. Đánh giá tình hình và xu hướng quốc tế hiện nay: “Phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển với bảo tồn biển trở thành xu thế chủ đạo”, Nghị quyết đã nhấn mạnh nội dung xuyên suốt đối với kinh tế biển nước ta là Phát triển bền vững.

Khái niệm phát triển bền vững có từ năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), nhưng được nói nhiều và mở rộng ra khoảng 25 năm trở lại đây và trở thành những cam kết quốc tế cho thiên niên kỷ thứ ba và đặc biệt riêng cho thế kỷ 21.

Ở nước ta, ngoài việc thực thi các cam kết quốc tế thì vẫn còn phải có các chính sách phát triển bền vững mang tính đặc thù. Để có sự phát triển bền vững kinh tế biển, cần phải có một kịch bản toàn diện bao gồm các nhân tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, sự gắn kết hợp lý giữa nội lực và ngoại lực, kể cả những nhân tố có được trong quá trình tiếp tục đổi mới và hội nhập.

Theo hướng này, tăng trưởng xanh được lấy làm nền tảng, và tất nhiên sự tìm kiếm tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới vừa là vấn đề chiến lược, vừa mang tính cấp thời đối với kinh tế biển nước ta, nhất là những ngành dựa vào nguồn tài nguyên sinh vật biển, hay rộng ra là dựa vào môi trường sinh thái biển để phát triển. Bền vững đòi hỏi phải có sự tương tác đúng đắn và hợp lý giữa phát triển và bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học. Cần coi đó là “sợi dây cương” điều hành nhịp điệu tăng trưởng. Sợi dây cương này có thể hình dung từ việc: Hạn chế thấp nhất, đi đến chấm dứt việc lạm dụng tài nguyên tái tạo đi đôi với gìn giữ các hệ sinh thái biển khỏi tác động xấu của mọi ngành kinh tế, của đô thị hóa và các yếu tố tiêu cực khác.

Liên quan nghề cá biển, gần đây người ta nói nhiều đến tình trạng khai thác quá mức. Đó là trách nhiệm của ngành thủy sản. Tuy nhiên đi cùng với khai thác quá mức, thì những yếu tố làm xấu đi môi trường sinh thái biển (điều có ý nghĩa cho sự tồn tại lâu dài của nghề cá nước ta) lại từ cả những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác và cũng không kém trầm trọng. Đó là hậu quả của việc phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển không theo quy hoạch hoặc quy hoạch không hợp lý, hệ thống thể chế và chấp pháp chưa đủ hiệu lực để ngăn chặn sự lạm dụng và làm xấu đi môi trường tự nhiên bảo đảm cho cuộc sống văn minh, lành mạnh và sự bền vững trong phát triển. Triển khai Nghị quyết lần này về Chiến lược biển, điều trước tiên là phải nhận biết những điều đó và giải quyết triệt để những “ứng xử” theo hướng làm kém bền vững như vậy.

Tăng trưởng liên tục gần bốn thập kỷ qua, thủy sản nước ta đã đạt đến những con số ấn tượng. Năm 2018 này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản, ước đạt 7,74 triệu tấn, trong đó hải sản khai thác gần 3,6 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 9 tỷ USD. Rõ ràng với con số như vậy, Việt Nam là một nước tầm cỡ thế giới về thủy sản. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giữa thập kỷ này, năm 2014, nước ta đứng thứ tám trên thế giới về sản lượng khai thác (trong các nước Đông - Nam Á, sản lượng khai thác Việt Nam chỉ đứng sau In-đô-nê-xi-a), đứng thứ ba (sau Trung Quốc, Ấn Độ) về sản lượng nuôi trồng và đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Na Uy) về giá trị thủy sản xuất khẩu. Chúng ta vui với những con số này. Tuy nhiên, quan hệ giữa những con số làm ta vui đó với thực trạng, tính chất và tiềm năng nghề cá hiện nay đang đặt ra cho các nhà quản lý trách nhiệm toan tính và vận hành bảo đảm bền vững và vượt qua các thử thách về hội nhập. “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh” là quan điểm đúng đắn, tuy nhiên làm sao áp dụng cho nghề cá hiện tại, một khi áp lực tăng trưởng vẫn lớn, ngư dân chưa được chuẩn bị và tổ chức chu đáo cho yêu cầu làm ăn mới này, và đặc biệt, một khi chưa có kịch bản cùng “tăng trưởng xanh” cho các ngành về biển, cho các khu công nghiệp và đô thị ven biển?

Nhằm đưa tinh thần bền vững của nghị quyết vào cuộc sống, tốt nhất là hãy chuẩn bị căn cơ nhất cho kế hoạch 5 năm tiếp theo với kịch bản bền vững thật sự cho nghề biển Việt Nam, gắn với thực thi các cam kết quốc tế mà ta đã tham gia.

Hiện nay, tăng trưởng xanh là một xu thế có tính thời đại. Chủ trương tăng trưởng xanh (Blue Growth Initiative, viết tắt là BGI) của FAO đang từng bước đưa các quy định về nghề cá trách nhiệm từ mức độ “ứng xử” đến mức “bắt buộc”. Cũng muốn thêm rằng, BGI là một cách tiếp cận tổng hợp đo mục tiêu hướng tới mọi phương diện của phát triển bền vững: Kinh tế - xã hội, môi trường và hiện coi cuộc chiến chống đánh bắt không phép, không thống kê minh bạch là ưu tiên cao, dựa vào những thành tựu mới của công nghệ thông tin để giám sát và tạo cách mạng trong lấy mẫu.

Vượt qua sự cảnh báo của Ủy ban châu Âu, thực hiện cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh là việc làm cấp thời, nhưng lâu dài hơn là thật sự xây dựng một nghề biển bền vững ở Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết 36, thì mới tính đến việc góp phần đưa nước ta giàu lên từ biển và mạnh về biển.

Tháng 4-2019 này, ngành thủy sản nước ta kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của mình và như dịp này hằng năm, lại nhớ lời Bác Hồ khi về thăm ngư dân mùa xuân năm 1959: Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ. Tinh thần làm chủ đó thật sự có ý nghĩa khi: Biển là nơi để phát trển bền vững, Biển là nơi để nước ta giàu lên và mạnh lên thật sự.

TẠ QUANG NGỌC Nguyên Bộ trưởng Thủy sản