Nơi lưu giữ ký ức chiến tranh

NDO - Ở TP Hồ Chí Minh, có lẽ ít ai không biết đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (đường Lê Quý Ðôn, quận 3). Ðối với những người đã đi qua chiến tranh thì những kỷ vật trưng bày nơi đây lại càng có ý nghĩa hơn.
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Với họ, mỗi lần ghé thăm, bao kỷ niệm, đau thương của quá khứ lại hiện về. Với những người may mắn sinh ra trong hòa bình, khi đến thăm bảo tàng sẽ rất ấn tượng và tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước. Cái cảm xúc đau buồn xen lẫn tự hào cũng là tâm sự của biết bao du khách khi có dịp ghé chân qua đây.

Qua hơn 35 năm tồn tại và phát triển, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã trở thành một cơ quan nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và tuyên truyền tố cáo tội ác, hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do các thế lực thù địch gây ra. Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, nhằm lưu giữ những kỷ vật, ký ức của chiến tranh, ngày 4-9-1975, Ủy ban Ðiều tra tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đã quyết định thành lập một nhà trưng bày với tên gọi: "Nhà trưng bày tội ác Mỹ - ngụy" sau này đổi thành "Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược". Ngay từ ngày đầu mới thành lập, với khu nhà trệt chật hẹp chỉ có khoảng năm, sáu phòng trưng bày; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động chuyên môn còn thiếu nhưng các cán bộ, nhân viên nơi đây đã vượt qua nhiều khó khăn để đưa bảo tàng có được những hiện vật quý giá như hiện nay...  Hai mươi năm sau (ngày 4-7-1995), nhà trưng bày chính thức mang tên: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Với những nội dung hoạt động hướng tới hòa bình cho nên năm 1998, bảo tàng được Liên hợp quốc công nhận là một trong số 61 bảo tàng thuộc hệ thống "Bảo tàng Vì hòa bình" của  thế giới. Năm 2008, Bảo tàng được kết nạp là thành viên của Hội đồng bảo tàng thế giới Icom. Hiện nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những bảo tàng có lượng khách tham quan đông nhất trong hệ thống bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2002 đến 2010, Bảo tàng bắt đầu được xây dựng mới, công trình kiến trúc bảo tàng hoàn thành tọa lạc gần khu vực trung tâm mà nhiều người dân Sài Gòn đã trở nên quen thuộc.

Hiện, bảo tàng đang lưu giữ, quản lý và trưng bày gần 15 nghìn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao. Ðể có được những hiện vật quý giá đó, đội ngũ cán bộ, công nhân viên bảo tàng đã phải làm việc cật lực, bỏ nhiều thời gian, công sức đi đến khắp các vùng miền trên đất nước, thậm chí ra nước ngoài để sưu tầm. Mỗi ngày, Bảo tàng đón gần hai nghìn lượt khách tham quan.  Mỗi du khách đến đây đều đọng lại một suy nghĩ, cảm xúc riêng. Ông Hemming Adebka, du khách người Ðan Mạch tâm sự: "Tôi đã đến đây lần đầu vào năm 1994. Tôi đã có sự nể phục rất lớn đối với nước Mỹ và nhiệm vụ của họ khắp thế giới này. Sau khi viếng thăm, quan niệm của tôi đã hoàn toàn đảo ngược. Bất kỳ các chính khách nào đang làm việc vì chiến tranh cần phải học từ cuộc chiến vì chiến tranh cần phải học từ cuộc chiến đấu cho tự do của Việt Nam và hãy đến xem nơi đây. Thế giới cần trở thành một thế giới hòa bình". Ðể thu hút khách tham quan,  bảo tàng đã triển khai nhiều hoạt động như: gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng chiến tranh, cựu chiến binh, cựu tù...; triển lãm chuyên đề về trẻ em, phụ nữ.... Ngoài ra, Bảo tàng cũng tổ chức từ 10 đến 14 cuộc triển lãm lưu động tại các tỉnh, thành trong cả nước đưa hình ảnh của chiến tranh đến với nhân dân vùng sâu, vùng xa, bộ đội, học sinh, sinh viên và đặc biệt còn có các thương binh nặng, học viên trường cai nghiện, chiến sĩ ngoài hải đảo... Hiện, Bảo tàng đã có nhiều sự thay đổi theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách trong và ngoài nước, xứng đáng là nơi lưu giữ những ký ức của chiến tranh, lưu giữ những hiện vật gắn liền với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong quá khứ.